Hình chụp CT bướu tuyến giáp của bệnh nhân N. Ảnh: Bệnh viện Bình Định
Ngày 2/11, Bệnh viện Bình Định (Bệnh viện mới) thông tin, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật cắt bướu tuyến giáp 'khủng' cho một cụ bà, với kích thước là 62x51x73 mm.
Trước đó, ngày 31/10, cụ bà L.T.T.N (81 tuổi, ở thị xã An Nhơn) đến Bệnh viện Bình Định khám bệnh bướu cổ. Bà N. cho biết, cách đây 40 năm bà đã đi khám và phát hiện bướu tuyến giáp nhưng sợ nên không phẫu thuật. Gần đây, bướu chèn ép gây cảm giác khó chịu, khó thở, nuốt nghẹn.
Tại Bệnh viện Bình Định, bệnh nhân được chỉ định chụp CT vùng cổ, ghi nhận tình trạng bướu giáp chiếm trọn thùy trái, kích thước lớn 7x8 cm, chèn trung thất trên, đẩy khí quản, thực quản lệch phải trên nền bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý tim mạch. Do bướu tuyến giáp quá lớn, gây ảnh hưởng đến bệnh nhân nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật để cắt bỏ.
Các bác sĩ trong ekip phẫu thuật đã phối hợp với các chuyên khoa, gồm gây mê hồi sức, Nội tim mạch và Ung bướu nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp, đường huyết, hormon tuyến giáp, nhịp tim, ngăn ngừa biến chứng. Các bác sĩ sử dụng dao Ligasure để hàn mạch trong khi mổ. Đây là thiết bị giúp giảm tối thiểu tình trạng mất máu cũng như có thể bộc lộ rõ các cấu trúc quan trọng liên quan như: Động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh, thần kinh quặt ngược thanh quản…
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 40 phút, ekip mổ hết sức thận trọng, tỉ mỉ bóc tách, cắt bỏ bướu tuyến giáp cho bệnh nhân N.
Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân được theo dõi tại phòng hồi tỉnh, sức khỏe ổn định, nói chuyện không bị khàn tiếng, bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày phẫu thuật.
Trước đó vào tháng 9, các bác sĩ tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, Bình Định) cũng phẫu thuật thành công khối bướu giáp nặng 600gram của một bệnh nhân nam.
Anh S.B (20 tuổi, Gia Lai) nhập viện trong tình trạng khối u to chèn kín vùng cổ, chèn ép đường thở, nuốt khó, không thể cúi hoặc ngửa cổ. Khai thác tiền sử, anh S.B mắc bệnh này từ nhỏ, nhưng không điều trị. Qua thăm khám, chụp CT-scan cắt lớp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bướu giáp khổng lồ vùng cổ (phải 52x48mm, trái 53x61mm).
Ê kíp phẫu thuật có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, cùng với hỗ trợ của thiết bị hiện đại sử dụng dao siêu âm, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy toàn bộ khối u tuyến giáp 2 bên an toàn, bảo tồn tối đa chức năng.
Thông tin từ bệnh viện, bướu giáp (bướu cổ/bướu tuyến giáp) là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến. Phần lớn người bệnh có bướu tuyến giáp lành tính, có thể điều trị đơn giản, nhưng cũng có thể thuộc dạng ác tính. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc), thủ thuật (như đốt khối u bằng sóng cao tần - RFA), hay phẫu thuật (mổ nội soi, mổ mở) để điều trị cho bệnh nhân.
Cứu nữ bệnh nhân nhiều năm bị khối bướu 'bóp cổ' 10/02/2023 Phẫu thuật lấy bướu gần 1 kg trên cổ một phụ nữ 17/10/2022Thế giới
Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ yêu cầu loại bỏ fluoride khỏi nước máy
Sức khỏe
Có thể trị mụn bằng thuốc tránh thai hay không?
Sức khỏe
Hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp và các bài thuốc y học cổ truyền
Sức khỏe
Dự án 'Ngôi nhà sức khỏe 0 đồng' cho người cao tuổi
Sức khỏe
Đăng thảo luận