Mười mấy năm qua, hằng ngày ông Nguyễn Văn Tấn (51 tuổi, ở thị xã Bình Minh) chở bánh tiêu qua phà sang Cần Thơ bán. Phà tạm dừng hoạt động, ông phải chạy đường vòng qua cầu Cần Thơ để đến thành phố này mưu sinh, xa hơn cả chục cây số và lâu hơn khoảng 30 phút so với đi phà.
Ngày 3/5, bến phà dán thông báo tạm dừng hoạt động. Ảnh: Tr.T
Bà Võ Thị Hồng Vân (70 tuổi, ngụ ở thị xã Bình Minh) hằng ngày qua phà đến quận Ninh Kiều bán vé số dạo để nuôi chồng bị tai biến nằm một chỗ. "Phà không chạy, tôi tuổi cao sức yếu, đi lại còn phải chống nạng, sao đi nổi qua cầu Cần Thơ. Đi xe ôm thì tốn 150.000 đồng, gần bằng tiền lời bán vé số cả ngày rồi”, bà Vân nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ bến phà phía Cần Thơ cho biết, bến hiện có 3 chiếc phà với tải trọng từ 70-100 tấn, mỗi ngày chạy hơn 50 chuyến qua lại, mỗi chuyến chở từ 20-40 xe máy và khoảng 30-50 người, trong đó đa phần là người lao động nghèo từ tỉnh Vĩnh Long qua Cần Thơ mưu sinh.
Lý do bến tạm ngưng hoạt động, bà Thủy cho hay, bến đã được gia hạn giấy phép hoạt động hai lần, nhưng cuối tháng 1 vừa qua, quận cho biết có nhiều quy định mới, một số nội dung trong giấy phép đã cấp không còn phù hợp.
“UBND quận Ninh Kiều đề nghị chúng tôi liên hệ Phòng Quản lý đô thị quận, lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động mới. Chúng tôi đã nhiều lần bổ sung hồ sơ để gia hạn nhưng vẫn chưa được giải quyết nên bến phà phải tạm dừng hoạt động”, bà Thủy nói.
Phà từ Bình Minh cập bến phía Cần Thơ. Ảnh: CK
Trong khi đó, đại diện bến phà phía bờ Bình Minh (Vĩnh Long) cho hay, giấy phép hoạt động của bến sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2024 và đơn vị sẽ làm đơn xin gia hạn gửi trình UBND thị xã Bình Minh cùng các bên liên quan kiểm tra, phê duyệt.
“Tuy nhiên, bây giờ phía Cần Thơ tạm dừng thì bến Bình Minh cũng phải tạm dừng vì hai bên hợp tác qua lại. Bà con sẽ phải di chuyển qua cầu Cần Thơ, rất bất tiện và tốn kém, ảnh hưởng lớn đến chén cơm manh áo của người dân...”, đại diện bến phà phía bờ Bình Minh nói.
Theo tìm hiểu của PV, phía bến Bình Minh cũng có 3 phà, nhưng thường xuyên chạy 2 phà qua lại, chiếc còn lại để dự phòng. Theo lịch hoạt động, hai bên bến thay nhau điều phà chạy và thu phí, mỗi bên 1 ngày. Hôm nay phà phía Cần Thơ chạy thì thu phí tại bờ Cần Thơ, hôm sau là chạy phà của bến Bình Minh và thu phí tại bờ Bình Minh.
Giá vé 7.000 đồng/lượt/người đi xe máy, 5.000 đồng/lượt/người đi xe đạp, và 3.000 đồng/lượt/người đi bộ.
Bến phà phục vụ người dân hai bờ sông Hậu qua lại mỗi ngày. Ảnh: CK
Theo ông Trần Văn Hiếu - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, sau khi rà soát lại thì bến phà chưa đủ điều kiện pháp lý để cấp phép mới. Cụ thể, phần đất và đường vào bến phà hiện vẫn giao cho Công ty CP Quản lý khai thác cầu Cần Thơ, thuộc Bộ GTVT.
“Trong phương án của Bộ GTVT năm 2014 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu của công ty này lại không thể hiện diện tích đất này. Do vậy, đất này vẫn thuộc quyền của bộ nên hợp đồng giữa công ty và chủ bến đò ngang không đảm bảo tính pháp lý", ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, do nhu cầu đi lại của người dân, nhất là người lao động, buôn bán nhỏ có cuộc sống khó khăn nên đơn vị đề xuất UBND quận Ninh Kiều cho bến đò tiếp tục hoạt động đến hết tháng 6/2024, trùng thời gian hết hạn giấy phép của bến phía Bình Minh; đồng thời, đề nghị chủ bến sớm hoàn tất hồ sơ pháp lý để quận xem xét cấp phép mới cho bến hoạt động theo đúng quy định.
Xem nhiềuBạn đọc
Cả trăm người đến hỗ trợ, 'giải cứu' chủ trang trại có 9.000 con gà chết ngạt
Bạn đọc
Cô gái trẻ bất ngờ khi CSGT liên hệ trao trả túi xách đánh rơi trên đường
Bạn đọc
Ấm lòng những 'chuyến xe 0 đồng Khánh Hòa' cho bệnh nhân nghèo
Bạn đọc
Kỳ lạ chuyện bán đất nghĩa trang trên giấy
Bạn đọc
Đăng thảo luận