Ra đời đúng 220 năm, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất

Ngày 23-4, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "220 năm quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử" (1804-2024).

Không ngừng vang vọng

TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, vừa biểu thị chủ quyền lãnh thổ vừa thể hiện các yếu tố hợp pháp về chính trị, luật pháp, quân sự, văn hóa, ngoại giao...

Theo TS Phan Tiến Dũng, trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng chính thức là vào ngày 28-3-1804 - khi vua Gia Long làm lễ khánh an kính cáo ở Thái miếu, đặt tên nước là Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập niên qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam.

 Khẳng định vị thế quốc hiệu Việt Nam 第1张

Hội thảo khoa học chủ đề: “220 năm quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử” (1804-2024) vào ngày 23-4

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Tuyên ngôn Độc lập" đã tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất.

PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng việc thống nhất ngoại giao về quốc hiệu Việt Nam vào thời điểm năm 1804 là cơ sở để năm 1806, vua Gia Long xưng đế, sánh cùng đẳng cấp với Hoàng đế nhà Thanh - Trung Hoa. Năm 1838, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu sang Đại Nam thể hiện hoàn toàn bình đẳng với chủ nhân của nhà nước Đại Thanh.

Theo nghiên cứu của PGS-TS Hoàng Chí Hiếu và TS Lê Thị Quý Đức, đều là giảng viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ít nhất có thể khẳng định tiếp theo sau tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (1925), từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác quyết về danh xưng Việt Nam cho toàn bộ tư tưởng và hành động của mình.

"Ta có thể thấy rằng toàn bộ các tổ chức cách mạng mà Người thành lập sau này đều gắn liền với tên gọi Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa truyền thống và kết tinh cao nhất tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về một tên gọi đã có lịch sử lâu dài, cũng là hiện thực hóa được nguyện vọng của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước nửa đầu thế kỷ XX" - 2 nhà nghiên cứu đúc kết.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét: "Băng qua những dặm dài của lịch sử, tiếng vọng của quốc hiệu Việt Nam vẫn không ngừng vang vọng. Tuy nhiên, phải đến thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quốc hiệu Việt Nam mới thực sự tái sinh trong tư thế mới. Từ đó, trải qua muôn vàn gian khó, Việt Nam đã thực sự là quốc hiệu của một đất nước độc lập, thống nhất như ngày nay".

Gắn chặt với chủ quyền Hoàng Sa

ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết một trong những công trình quốc tế sớm đề cập quốc hiệu Việt Nam dưới 2 triều vua Gia Long và Minh Mạng là ấn phẩm bằng tiếng Pháp "Những bức thư mới thực hiện từ các phái bộ truyền giáo của Trung Hoa và Đông Ấn", tập VI, xuất bản tại Paris - Pháp năm 1821.