(NLĐO) - Những phát hiện mới từ một hang động Tây Tạng cho thấy người khác loài Denisovans chỉ mới biến mất khỏi thế giới lâu nhất là 32.000 năm trước

Một nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố trên tạp chí Nature đã đem đến thông tin mới về thời điểm mà người khác loài Denisovans thực sự tuyệt chủng: Không thể là trên dưới 40.000 năm trước, mà ít nhất 32.000 năm trước, họ hãy còn sống ở Tây Tạng.

Họ là một loài anh em với Homo sapiens chúng ta, cùng thuộc chi Homo (chi người), từng giao phối dị chủng với tổ tiên chúng ta.

Nhiều cộng đồng trên thế giới hãy còn mang DNA của vị tổ tiên này trong dòng máu, "đậm đà" nhất là người châu Á - Thái Bình Dương.

 Phát hiện về “người khác loài cuối cùng” ở Tây Tạng 第1张

Một cuộc tìm kiếm bằng chứng về người khác loài ở hang động Baishiya Karst ở Tây Tạng, dẫn đầu bởi Đại học Lan Châu (Trung Quốc) - Ảnh: VGC

Theo Sci-News, phát hiện về những "người khác loài cuối cùng" ở Tây Tạng dựa trên việc phân tích 2.500 mẩu xương hỗn tạp được các nhà khoa học thu thập từ hang động Baishiya Karst trong nhiều năm làm việc.

Số xương này bao gồm của nhiều loài động vật khác nhau có dấu vết tương tác của con người và cả xương sườn được xác định là của người Denisovans.

Trước đó, vào năm 2019, một chiếc xương hàm có niên đại 160.000 năm cũng từ hang động này được xác định là có nguồn gốc từ người Denisovans.

Vào năm 2020, mtDNA của loài người cổ này được tìm thấy trong trầm tích của hang động, cho thấy sự hiện diện của họ vào các giai đoạn khoảng 100.000 năm trước, 60.000 năm trước và có thể là 45.000 năm trước.

Xương sườn mới của người Denisova từ hang động Baishiya Karst có niên đại khoảng 48.000-32.000 năm trước.