Hôm nay 25-9, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM ra đời tròn 35 năm, chứng minh là một địa chỉ tin cậy kết nối nhiều hoạt động thiện nguyện của tổ chức Đoàn tại TP.HCM.

35 năm kết nối thiện nguyện, lan tỏa yêu thương  第1张

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM Dương Ngọc Tuấn (phải) trao kinh phí hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình khó khăn sau bão Yagi tại tỉnh Lào Cai - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Từ kết nối các nguồn lực, trung tâm góp tay chăm lo cho những hoàn cảnh yếu thế, chia sẻ an sinh xã hội. Đặc biệt là phản ứng nhanh, ứng phó các tình huống cứu trợ khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra bất cứ đâu trên cả nước.

Có thể khẳng định Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP đã làm rất tốt vai trò tham mưu, tổ chức hoạt động và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của thanh niên, người dân thời gian qua.Bí thư Thành Đoàn TP.HCM NGÔ MINH HẢI

Phản ứng nhanh khi xã hội cần

Giám đốc trung tâm Dương Ngọc Tuấn vừa trở về sau chuyến công tác năm ngày cùng đội hình đại diện tuổi trẻ TP.HCM đến với bà con vùng bão lũ phía Bắc. Chuyến đi cùng chính các nguồn lực do nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ để chia sẻ với bà con. Thời gian ngắn song đã có nhiều công việc được các tình nguyện viên làm hết công suất.

Đây là công việc quen thuộc suốt từ ngày đầu thành lập đến nay. Hễ mỗi khi có thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, dù ở bất kỳ đâu trong nước, trung tâm đều nhận lãnh sứ mệnh kết nối nguồn lực, tổ chức đội hình cứu trợ để lên đường đến với đồng bào mình nhanh nhất có thể.

  • 'Những người quàng khăn rằn' từ TP.HCM dựng nhà, khám bệnh cho bà con vùng lũ phía Bắc

  • Hơn 16.000 túi thuốc từ TP.HCM đã đến tay bà con vùng lũ lụt phía Bắc

Nhớ lại năm 2020, khi nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại khá nặng vì bão lũ dồn dập, trung tâm đã thành lập đội hình phản ứng nhanh đi khắc phục hậu quả bão lũ tại nhiều tỉnh. Ngoài tặng quà đã giúp bà con sửa hoặc xây nhà. 

Rồi khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài tại TP.HCM, trung tâm cũng làm đầu mối tặng tuyến đầu trang thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ.

Thời điểm khẩu trang khan hiếm, nơi làm việc của trung tâm trở thành điểm hẹn để các tình nguyện viên cắt, may khẩu trang vải tặng bà con. Cùng với quà nhu yếu phẩm, rau củ quả đưa đến các khu phong tỏa, cách ly, dấu ấn đáng kể nhất trong mùa dịch có lẽ là bếp ăn nghĩa tình.

Giữa những ngày TP gần như cách ly hoàn toàn, bếp ăn vẫn đỏ lửa mỗi ngày với hàng ngàn suất ăn hai buổi trưa, tối để kịp chuyển đến các chốt canh gác, vùng cách ly, người neo đơn... Anh Võ Quốc Bình - cán bộ trung tâm - kể khoảng 50 tình nguyện viên cùng "cắm trại" ngay tại trung tâm duy trì bếp ăn nhiều tháng liền. Đợt cao điểm có ngày phải nấu gần 6.000 suất ăn mới đủ phân phối đi nhiều nơi.

Chưa kể trung tâm còn phối hợp làm chương trình "ATM nhu yếu phẩm" miễn phí cho đối tượng khó khăn, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19. Mỗi phần quà được gửi đi với thông điệp "Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin hãy nhường cho người khác".

35 năm kết nối thiện nguyện, lan tỏa yêu thương  第2张

Bếp ăn nghĩa tình đỏ lửa nhiều tháng liền cung cấp cả trăm ngàn suất ăn miễn phí khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM - Ảnh: Q.BÌNH

Kết nối yêu thương đi muôn nơi

Ngoài địa bàn TP.HCM, các hoạt động của trung tâm còn lan tỏa nhiều vùng miền cả nước. Gần đây, trung tâm triển khai dự án xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh trường học và tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh tại một số trường tiểu học và THCS ở TP.HCM cùng vài tỉnh lân cận trị giá 2 tỉ đồng.

Theo anh Tuấn, nhà vệ sinh tại nhiều trường học vùng sâu vùng xa xuống cấp, học sinh không dám đi vệ sinh. "Điều này tưởng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Trung tâm kết nối cho một số trường có nhà vệ sinh sạch sẽ" - anh Tuấn nói.

Dự án còn có các buổi tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh với kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại được lồng ghép nhẹ nhàng. Qua đó giúp các bạn nhỏ nhận biết, áp dụng biện pháp tự bảo vệ bản thân.

Chị Nguyễn Thị Nhung - bí thư Huyện Đoàn Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) - cho biết trung tâm này đã xây tặng ba nhà vệ sinh cho học sinh tại các điểm trường trong huyện. Nhờ có nhà vệ sinh sạch sẽ đã giúp tâm lý học sinh thoải mái, đảm bảo sức khỏe, yên tâm học tập.

Sau đại dịch, trung tâm có chương trình tầm soát, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân khó khăn và đoàn viên, thanh niên hậu COVID-19. Trong hai năm 2022 - 2023, khoảng 5.000 người tại TP.HCM cùng một vài tỉnh lân cận đã thụ hưởng hoạt động này với tổng kinh phí hơn 4,1 tỉ đồng.

Mới nhất, hai đội hình 41 tình nguyện viên đã đến với bà con bị ảnh hưởng sau bão Yagi và lũ tại hai tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang. Các bạn giúp sửa, xây nhà mới cho những hộ bị thiệt hại nặng, khám bệnh, tặng quà, giúp bà con thu hoạch lúa. Tổng tiền quà, hàng hóa của chuyến đi 5 tỉ đồng vận động từ nhiều nguồn, trong đó có 2 tỉ do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp.

Vừa hoạt động thường xuyên vừa hoạt động khẩn cấp

Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM được Thành Đoàn TP.HCM thành lập năm 1988. Quyết định của UBND TP.HCM ký ngày 25-9-1989 cho phép thành lập trung tâm trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM.

TP còn có thêm quyết định khác cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động và bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ để trung tâm kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như hỗ trợ người dân trên địa bàn TP.

Trước đó, Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM ra đời với 20 thành viên ban đầu tự nguyện góp sức chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh. Đây cũng là lực lượng nòng cốt cho việc hình thành Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP sau đó.

Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho rằng không chỉ thực hiện tốt các chương trình, hoạt động an sinh xã hội cho các trường hợp khó khăn, mảnh đời yếu thế, trung tâm đã chủ động thiết kế các chương trình tình nguyện thường xuyên giúp nhiều đối tượng khác nhau, kịp thời động viên cả vật chất lẫn tinh thần.

"Với từng giai đoạn cụ thể, trung tâm luôn rất chủ động xây dựng, tổ chức nhanh các hoạt động, chương trình phù hợp tình hình thực tế tùy yêu cầu, đòi hỏi ngay tại thời điểm ấy" - anh Hải nhận định.

Trao cơ hội cho trẻ vào đời

Đồng hành với thanh thiếu niên lang thang, cơ nhỡ cũng là mảng hoạt động rất được trung tâm chú ý thời gian qua. Phó giám đốc trung tâm Nguyễn Công Hằng cho biết có nhiều hoạt động để tiếp cận, thuyết phục đưa các bạn này về rồi tìm cách kết nối để đưa các bạn hồi gia.

"Trường hợp nào chưa thể hồi gia sẽ được tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ các bạn tiếp tục theo học văn hóa hoặc học nghề. Có bạn sau khi học nghề đã nhận được học bổng ra nước ngoài học và làm việc" - anh Hằng thông tin.