Lấn chiếm vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, vứt rác bừa bãi... tôi tự hỏi sao bao năm qua vẫn tồn tại?
Chắc hẳn rất nhiều người Việt khi sinh sống hoặc đi du lịch, công tác ở các nước phát triển, đều có sự so sánh với câu chuyện trong nước, như một phản xạ tự nhiên. Ví dụ, thấy đường phố ở nước ngoài sạch sẽ, hệ thống giao thông hiện đại, ý thức người tham gia giao thông cao... sẽ cho ta suy nghĩ. Có một số vấn đề nhỏ tôi nêu dưới đây thì mỗi người chúng ta có thể làm được ngay, không cần thay đổi chính sách hay đầu tư tiền bạc để nghiên cứu, xây dựng, phát triển.
Dừng lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh, bày bán hàng hóa
Công dụng của vỉa hè chắc hẳn không ai là không biết, đó không phải là nơi để buôn bán, đậu xe, càng không phải là đường giao thông. Vì vậy, trước hết, mỗi người phải tuân thủ luật đã rồi mới nói đến những chuyện khác.
Vỉa hè ở các thành phố của chúng ta nhiều nơi rất rộng, tuy nhiên, rộng bao nhiêu cũng không đủ. Việc bày bán hàng tràn ra vỉa hè thì đâu đâu cũng có, chỗ nào nhỏ thì đỗ xe máy, đoạn nào rộng thì đỗ cả ôtô luôn. Biết là khó vì nó liên quan đến kinh tế và sự tiện lợi, nhưng nếu không tuân thủ thì chúng ta đã vi phạm luật, mà sự vi phạm lại phổ biến nữa thì không thể có văn minh.
Ở một khía cạnh khác, tôi thấy nhiều lần báo chí cũng đưa tin về việc nghiên cứu hợp thức hóa kinh tế vỉa hè ở một số khu vực. Tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp hài hòa lợi ích và đảm bảo mỹ quan đô thị.
>> Tôi thành 'bà cô khó ở' vì nhắc nhở đám đông ồn ào trong thang máy
Không vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè, đi vào làn khẩn cấp
Vấn đề này 100% là do ý thức của người tham gia giao thông, vì luật đã quy định rất rõ ràng. Nhiều lần, tôi đi bộ trên vỉa hè cũng bị xe máy đi ngược, đi xuôi bấm còi bắt tránh ra cho họ đi, như thể chính tôi đang đi sai đường vậy.
Một lần khác, tôi đi xe ôm công nghệ, tài xế thường xuyên leo lên vỉa hè, không đi tới chỗ cho phép quay đầu. Anh ta sẵn sàng đi ngược một đoạn đường để tới được chỗ rẽ. Tôi hỏi sao anh lại đi ngược thế này? Anh ta đáp: "Anh yên tâm, em đi mãi có thấy bị phạt đâu".
Chuyện đi vào làn khẩn cấp cũng thế, xe vi phạm nhiều đến mức có cảm giác như không thể thay đổi được tình trạng này. Chúng ta thường nghe nói ở nước ngoài người dân không dám vi phạm vì sẽ xử lý rất nghiêm khắc. Điều này đúng ở phần ngọn, gốc rễ của vấn đề ở chính mỗi chúng ta. Mình biết luật mà vẫn vi phạm, rồi lại bao biện là do phạt không nghiêm? Vậy là cứ phải phạt thì mới chấp hành, còn tự mình thì sẽ không cần tuân thủ hay sao?
Bỏ rác đúng nơi quy định và không đốt rác gây ô nhiễm không khí
Ý thức bỏ rác đúng nơi quy định trong nhiều năm qua đã được cải thiện rõ rệt. Đó là kết quả của việc triển khai đồng bộ giữa tuyên truyền của các cơ quan, giáo dục của gia đình và bố trí các thùng rác ở khắp nơi, rất thuận tiện cho việc tuân thủ. Đường phố, sông hồ và tại các khu du lịch đã không còn bị ngập rác túi nilon, chai nhựa hay rác thải sinh hoạt như trước nữa.
Tuy nhiên, ở các khu vực ngoại thành, tình trạng đốt rác vẫn rất phổ biến. Hiện chưa có luật rõ ràng về việc đốt rác thải sinh hoạt, nhưng nếu chúng ta gom rác để chuyển cho các công ty xử lý thì không khí sẽ bớt ngột ngạt đi rất nhiều. Rác thải, khí thải, nước thải công nghiệp, bệnh viện, làng nghề là những vấn đề lớn, như đã nói ở trên, có lẽ chúng ta sẽ phải nỗ lực trong nhiều năm mới có thể cải thiện được.
Một vài vấn đề nhỏ nhưng nếu mọi người cùng làm thì tác động sẽ rất lớn, thiết nghĩ, trước khi than thở, mỗi người chúng ta hãy tự nhìn lại bản thân mình, xem những gì ta có thể làm được thì đã chủ động làm chưa?
- Mở cửa ôtô - 'ba người nhạy cảm, một người thoát chết'
- Tâm lý 'nhờn luật' sau những đợt ra quân ồ ạt
- Nỗi sợ ra đường gặp 'hung thần' xe máy điện
- Thói quen chạy xe máy 'hở là vượt'
- 'Chạy ôtô trên cao tốc bằng tư duy xe máy'
- 'Kẻ xin - người không cho' khi đi bộ qua đường
Đăng thảo luận