Ngành thủy sản đang đối diện nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai, giá đầu vào tăng cao trong nửa cuối năm nay.

Tại họp báo Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thủy sản ngày 10/9, ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), nói biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề lên ngành nuôi trồng thủy sản.

Ông cho biết nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình trước đây, theo số liệu Liên Hợp Quốc, đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và sản lượng thủy sản.

Ngoài ra, bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Hải Phòng và Quảng Ninh, khiến nhiều lồng nuôi bị cuốn trôi và các dây hàu bị đứt gãy. Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hơn 1.500 lồng bè thủy sản bị cuốn trôi, trong đó Quảng Ninh chịu tổn thất lớn nhất với hơn 1.000 lồng bè hư hại, khiến ngư dân mất từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu, thiên tai đe dọa ngành thủy sản  第1张

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) tại họp báo Aquaculture Vietnam 2024 sáng 10/9. Ảnh: Bá Cường

Không chỉ dừng lại ở các yếu tố thiên tai, ngành này còn chịu áp lực lớn từ sự tăng giá thức ăn. Từ đầu năm, giá thức ăn thủy sản đã tăng từ 32.000 đồng lên 35.000-36.000 đồng một kg, khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người nuôi và gây khó khăn trong việc duy trì sản xuất ổn định.

Cùng với đó, vấn đề về chất lượng con giống cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo khảo sát mới đây tại Đồng bằng sông Cửu Long, giống tôm thẻ chân trắng và cá tra đang gặp vấn đề lớn về chất lượng, dẫn đến tốc độ phát triển chậm và sản lượng giảm sút.

Một thách thức lớn khác mà ngành thủy sản phải đối mặt trong tương lai gần là yêu cầu chứng chỉ carbon cho sản phẩm thủy sản. TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), cho biết nhiều thị trường quốc tế đã bắt đầu đặt ra yêu cầu về chứng chỉ này, nhằm đảm bảo sản phẩm thủy sản được sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững. Nếu ngành thủy sản không kịp thích ứng với các yêu cầu về môi trường này trong vòng 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng và duy trì thị trường xuất khẩu.

Trước những thách thức trên, các chuyên gia trong ngành đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp thủy sản Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Lê Thanh Lựu nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất thủy sản là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, cùng với việc chuyển sang sử dụng các loại thức ăn ít phát thải carbon như tảo hay protein từ côn trùng cũng là những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, phát triển các giống thủy sản có khả năng thích ứng tốt hơn với môi trường biến đổi sẽ là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Hội Thủy sản Việt Nam đang tích cực vận động doanh nghiệp nâng cao ứng dụng công nghệ trong khai thác và chế biến thủy sản. Theo đó, hội thường xuyên phối hợp với các trung tâm công nghệ địa phương để hỗ trợ các cơ sở nuôi trồng và chế biến hướng tới phát triển bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng từ nuôi trồng thủy sản đạt trên 2,43 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2023. Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn rất lớn, dù phải đối mặt với nhiều thách thức cả về môi trường lẫn thị trường.

Thi Hà