Ngoài việc phát triển xe công cộng, quy hoạch giãn dân, bạn đọc còn cho rằng phải làm đường trên cao dành riêng cho xe máy mới giải quyết được tình trạng kẹt xe.
Giao lộ quốc lộ 13 và Nguyễn Xí đông nghịt xe cộ mỗi ngày. Nơi đây cũng được tính toán làm đường trên cao đi qua - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sau khi báo Tuổi Trẻ Online đăng bài "Làm đường trên cao để giảm kẹt xe ở TP.HCM", thông tin thành phố đang nghiên cứu làm đường trên cao trong lúc nhiều dự án giao thông khác chưa làm được do gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, nhiều bạn đọc đồng tình ủng hộ và đề xuất thêm các giải pháp khác.
Đa dạng hình thức thanh toán khi đi xe buýt
Cùng với việc mở đường trên cao, theo bạn đọc SP, phải phát triển xe buýt để hạn chế xe cá nhân.
"Nếu chúng ta quay lưng lại với xe công cộng thì đường sá TP.HCM chỉ ngày càng kẹt hơn", bạn đọc này góp ý.
Làm đường trên cao để giảm kẹt xe ở TP.HCMĐỌC NGAY
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt cũng đánh giá cao vai trò của xe công cộng. Nếu xe buýt ngày càng phát triển, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp và đa dạng các hình thức thanh toán thì chắc chắn người dân sẽ chọn đi xe buýt nhiều hơn.
Từ đó, đường sá có thể sẽ thông thoáng hơn. Để giải quyết vấn đề kẹt xe thì phải giải quyết căn cơ từ gốc.
Mở đường trên cao, cầu vượt, hầm chui, xây dựng mở rộng cầu đường… là các giải pháp nhằm nâng cao năng lực giao thông. Các giải pháp này có hiệu quả nhưng về lâu dài khó bền vững.
"Đường trên cao tận dụng không gian tăng diện tích đường, giảm bớt khó khăn di dời giải tỏa, giảm giao cắt nên giao thông có vẻ thông suốt. Nhưng thách thức xây dựng đường trên cao không hề nhỏ, chi phí đầu tư xây dựng và bảo trì rất cao.
Đồng thời hạ tầng kỹ thuật và kết nối lên xuống đường trên cao phức tạp, tạo nhiều không gian trống bên dưới và đặc biệt khi tai nạn xảy ra, đường trên cao vẫn có thể bị kẹt xe nặng" - bạn đọc pham***@gmail nhấn mạnh.
Thậm chí, theo bạn đọc Bùi Vĩnh Thịnh, đường trên cao có thể mở dành riêng cho xe máy vì hiện lượng xe máy đi lại trên đường nhiều hơn ô tô, xe buýt. Vì vậy, TP.HCM có thể nghiên cứu làm đường trên cao với chiều rộng vừa phải cho xe máy. Từ đó, vấn đề thiết kế và xây dựng đường trên cao cũng sẽ nhẹ nhàng, tiết kiệm kinh phí hơn.
Xe cộ ken đặc trên quốc lộ 1, đoạn thuộc TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Gắn quy hoạch với mở đường
Câu chuyện mở đường trên cao có thể vẫn là bài toán cần thời gian dài để nghiên cứu. Bạn đọc Hoàng Sơn cho biết điều TP.HCM nên làm ngay là ngừng quy hoạch khu dân cư, nhà cao tầng ở các khu trung tâm, gần các giao lộ chính trước.
Đồng thời, TP.HCM nên tổ chức lại các nút giao một cách có khoa học, làm thêm hầm và cầu vượt đối với các trục chính, hạn chế mở thêm các giao lộ đồng cấp.
Theo bạn đọc Tinh, những con đường chật hẹp và nhà cửa nhếch nhác như Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13, Trường Chinh… TP.HCM nên tính toán giải tỏa, mở rộng mặt đường hiện hữu và kết hợp chỉnh trang đô thị.
Qua thời gian, nếu đường trên cao xuống cấp thì việc tháo dỡ rất phức tạp, trong khi đường mặt đất lại dễ xử lý hơn. Mở rộng và xây dựng đường mặt đất là đầu tư lâu dài, hiệu quả. Song song đó, đường sá phải được cải thiện chất lượng và các xe không được đậu sai quy định. Vấn đề hàng rong, bến xe tự phát cũng phải được xử lý nghiêm chỉnh.
Nhiều bạn đọc cũng nêu thực trạng hiện nhiều nơi ở TP.HCM có mật độ dân số thưa thớt trong khi ở trung tâm lại quá tải. Vì vậy, TP.HCM cùng các đơn vị nên nghiên cứu, quy hoạch lại để kéo giãn mật độ dân số quá cao ở nội thành.
Nếu phát triển hạ tầng, đường sá… ở các khu vực ngoại thành thì có thể sẽ thu hút người dân đến ở hơn.
Ý thức không tốt, mở 1.000 đường trên cao cũng kẹt xe
Nhận định rõ kẹt xe là vấn đề dai dẳng và muốn giải quyết cũng không hề dễ dàng, theo bạn đọc pham****@gmail.com, thực tế trên thế giới đã có nhiều nhóm giải pháp từ tăng năng lực giao thông đến kiểm soát và hạn chế nhu cầu. Đặc biệt từ việc xác định xe cộ đường sá, xe cộ sau đó chuyển sang con người.
Ngoài ra, vấn đề ý thức tham gia giao thông cũng được nhiều bạn đọc đề cập.
Bạn đọc luuh****gmail.com cho rằng hiện văn hóa giao thông của nhiều người dân chưa tốt. Ý thức không tốt thì có mở thêm 1.000 con đường trên cao cũng không thể nào xử lý dứt điểm thực trạng kẹt xe.
Do đó, các đơn vị liên quan cần phải giám sát chặt chẽ hơn về trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua "mắt thần" và phạt thật nặng những người vi phạm như lái xe ngược chiều, đi sai làn đường…
Đăng thảo luận