Trong ba ngày triển khai tiêm chiến dịch, đặc biệt việc tiêm chủng xuyên lễ Quốc khánh 2-9, toàn thành phố đã tiêm vắc xin ngừa sởi cho 12.625 trường hợp.

Sáng 3-9, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 35, tính từ ngày 26-8 đến ngày 1-9, có 118 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TP.HCM, tăng 53,7% so với trung bình 4 tuần trước (77 ca).

Trong đó có 22 ca dương tính (18,6%), 73 ca không lấy mẫu (61,9%), 13 ca chưa có kết quả (11%) và 10 ca âm tính (8,5%).

  • Ca mắc sởi và nghi ở TP.HCM vẫn tiếp tục gia tăng  第1张

    TP.HCM: Hơn 5.000 trẻ đã được tiêm trong ngày đầu chiến dịch tiêm vắc xin sởiĐỌC NGAY

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 35 là 644 ca, cụ thể có 255 ca dương tính (39,6%), 232 ca không lấy mẫu (36%), 2 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,3%), 14 ca chưa có kết quả (2,2%) và 141 ca âm tính (21,9%).

Để phòng ngừa bệnh sởi, theo HCDC, các bậc phụ huynh cần đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ khi triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi tại TP.HCM vào ngày 31-8 đến nay thành phố tiếp tục thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo từ người dân.

Trong ba ngày triển khai tiêm chiến dịch, đặc biệt diễn ra trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, toàn thành phố đã tiêm được cho 12.625 trường hợp, trong đó có 77 trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 19 trường hợp là nhân viên y tế.

Dự kiến hôm nay (ngày 3-9), chiến dịch tiêm vắc xin sởi sẽ tiếp tục được diễn ra với 305 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 1 bệnh viện tuyến thành phố, cùng với số lượng trẻ dự kiến tiêm là 7.221 trẻ.

Tổ chức đoàn giám sát kiểm tra hoạt động tiêm chủng vắc xin sởi tại các trạm y tế

Trong 3 ngày diễn ra chiến dịch, HCDC đã tổ chức đoàn giám sát để kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế.

Kết quả giám sát cho thấy quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.

Các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm.

Công tác truyền thông tại các trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích họ đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.