CrowdStrike mới đây tiếp tục bị hành khách của những chuyến bay bị hoãn hoặc hủy do sự cố sập hệ thống máy tính toàn cầu xảy ra hôm 19-7 đệ đơn kiện.
Nhiều hành khách bị mắc kẹt tại các sân bay do sự cố sập hệ thống máy tính toàn cầu hôm 19-7 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-8, ba hành khách bị ảnh hưởng bởi sự cố sập hệ thống máy tính toàn cầu hôm 19-7 đã đệ đơn kiện Công ty an ninh mạng CrowdStrike lên tòa án liên bang tại thành phố Austin (bang Texas, Mỹ).
Nhóm khách này cáo buộc CrowdStrike đã thiếu cẩn thận trong khâu kiểm tra và triển khai phần mềm, dẫn đến việc các chuyến bay của họ bị hoãn, hủy.
CrowdStrike: Sập máy tính toàn cầu do 'lỗi chồng lỗi'ĐỌC NGAY
Phía nguyên đơn cho biết sự cố trên khiến họ phải chi thêm hàng trăm đô la tiền chỗ ở, thức ăn cũng như phương tiện di chuyển thay thế.
Nhiều người khác bị lỡ công việc và gặp phải các vấn đề sức khỏe vì phải ngủ trên sàn nhà ở sân bay.
Nhóm này khẳng định CrowdStrike "hoàn toàn đã có thể thấy trước được" khả năng xảy ra sự cố ngày 19-7, vì từng có tiền lệ sự cố công nghệ khiến chuyến bay của nhiều hãng hàng không bị đình trệ hồi năm 2023.
Vì vậy, họ yêu cầu phía công ty an ninh mạng trả tiền bồi thường thiệt hại và tiền phạt cho tất cả hành khách đã bị trễ hoặc hủy chuyến bay do sự cố kể trên.
Về phía CrowdStrike, công ty đáp trả trong một tuyên bố rằng: "Vụ kiện trên hoàn toàn không có cơ sở và chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ công ty của mình".
Tuyên bố này được cho rằng không khác tuyên bố phía công ty từng đưa ra hôm 31-7. Khi ấy, CrowdStrike đối diện đơn kiện của một nhóm cổ đông vì giá cổ phiếu của công ty này giảm đến xấp xỉ trên 30%.
CrowdStrike lên tiếng đáp trả Delta
Quầy làm thủ tục của Hãng Delta tại một sân bay Mỹ bị quá tải, do nhân viên phải chuyển sang thao tác bằng tay sau sự cố CrowdStrike - Ảnh: AFP
Không chỉ hành khách cá nhân, Giám đốc điều hành (CEO) Hãng hàng không Delta Airlines Ed Bastian cũng khẳng định sự cố CrowdStrike đã khiến hãng này thiệt hại lên đến 500 triệu USD.
Ngày 4-8, CrowdStrike chính thức lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. Trong lá thư được bên pháp chế của CrowdStrike gửi cho Delta, CrowdStrike nêu rõ CEO của công ty này, ông George Kurtz, đã đích thân đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho hãng bay khi xảy ra sự việc.
Tuy nhiên, phía ông Bastian đã không đưa ra lời phản hồi nào. Không chỉ thế, Delta sau đó còn nói với CrowdStrike rằng hãng bay không cần hỗ trợ trong và sau khoảng thời gian xảy ra sự cố.
Lá thư trên khẳng định: "CrowdStrike rất thất vọng trước việc Delta cho rằng chúng tôi hành động không đúng mực, đồng thời kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc rằng CrowdStrike đã quá bất cẩn hoặc cố ý làm sai".
CrowdStrike tuyên bố rằng nếu vụ kiện tiếp tục, phía Delta sẽ phải giải thích về các vấn đề trong hệ thống IT của hãng và lý do họ từ chối các đề nghị hỗ trợ từ công ty an ninh mạng.
Trong khi các hãng hàng không khác nhanh chóng khôi phục hoạt động sau sự cố, Delta đã buộc phải hủy khoảng 30% lịch trình của mình trong năm ngày, khiến khoảng nửa triệu hành khách bị mắc kẹt.
Ngày 19-7, CrowdStrike cho biết họ ghi nhận "nhiều báo cáo về hiện tượng màn hình xanh chết chóc (BSOD) trên các máy chủ Windows". Thuật ngữ "màn hình xanh chết chóc' thường được sử dụng để mô tả sự cố hệ thống trên hệ điều hành Windows của Microsoft.
Khoảng 8,5 triệu thiết bị dùng hệ điều hành Windows đã bị ảnh hưởng bởi sự cố, trong đó có nhiều máy tính ở sân bay, ngân hàng, cơ sở y tế...
Nguồn cơn sự cố được phía CrowdStrike công bố chính thức là lỗi hệ thống kiểm soát chất lượng các bản cập nhật phần mềm, dẫn đến việc một đoạn mã nguồn bị lỗi đã bị gửi đến các hệ thống máy tính toàn cầu.
Đăng thảo luận