Một số người có thói quen lấy cắp ý tưởng, thành quả của đồng nghiệp để gây ấn tượng với cấp trên, dù bản thân không đóng góp.
Đối mặt với các tình huống này mọi người đều tức giận và khó chịu. Để tránh bị cảm xúc chi phối và ảnh hưởng đến công việc, các chuyên gia văn hóa công sở gợi ý một số cách ứng phó với đồng nghiệp xấu tính.
Lưu lại chứng cứ
Trong trường hợp từng bị cướp công, mọi người nên tìm kiếm và lưu trữ bằng chứng cụ thể như ghi âm cuộc trao đổi, sao lưu tài liệu, email cho đồng nghiệp làm bằng chứng. Đặc biệt, các bằng chứng này nên cho thấy những đóng góp của bạn với công việc, cấp trên và khách hàng.
Hãy nhớ, người khác không thể đánh cắp ý tưởng nếu bạn không cho họ cơ hội.
Chủ động nói chuyện, cho cơ hội sửa sai
Phản ứng bực tức, khó chịu khi phát hiện công sức của bản thân bị đánh cắp là điều dễ hiểu nhưng trả thù chưa bao giờ là ý tưởng hay. Cách tốt nhất là cả hai nên thẳng thắn trò chuyện, tìm hướng giải quyết.
Nếu đối phương thừa nhận đã đánh cắp ý tưởng của bạn và xin lỗi, hãy cho họ cơ hội cùng cam kết không tái phạm. Nhưng nếu họ phủ nhận điều đó, hãy đề cập đến các bằng chứng và chuẩn bị tố cáo hành vi trên với lãnh đạo.
Tuy nhiên Hannah Smith, cố vấn nơi làm việc tại Mỹ, cảnh báo việc gửi bằng chứng lên lãnh đạo có thể hiệu quả nhưng có thể tạo ra văn hóa coi đồng nghiệp là đối thủ, ngại giao tiếp, chia sẻ.
Nhiều người lao động báo cáo từng bị đồng nghiệp hoặc cấp trên lấy cắp ý tưởng như không biết cách bảo vệ bản thân. Ảnh minh họa: TAYLOR CALLERY
Cung cấp bằng chứng
Nếu mọi biện pháp đều thất bại, đã đến lúc bạn nói chuyện với người quản lý. Bằng cách này, cấp trên có thể trực tiếp giải quyết hoặc đưa ra lời khuyên tốt nhất. Cách xử lý sẽ phụ thuộc vào người liên quan cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Robert Hosking, giám đốc điều hành của OfficeTeam tại Mỹ, cho biết: "Nơi làm việc ngày nay cạnh tranh hơn bao giờ hết và có những người sẽ làm mọi cách để được thăng chức, bao gồm cả việc đánh cắp ý tưởng của đồng nghiệp".
Làm gì để tránh xung đột với đồng nghiệp?
Để tránh mâu thuẫn trong công ty, Robert Hosking khuyên người lao động nên chủ động trong việc chia sẻ góc nhìn, ý tưởng của bản thân với người quản lý và đồng nghiệp như ngầm "đánh dấu chủ quyền, tránh xâm phạm". Bên cạnh đó các cấp quản lý nên đưa ra các ý tưởng, xây dựng các chiến lược làm việc nhóm bởi hầu hết những thành công trong kinh doanh là kết quả của sự hợp tác, không phải là nỗ lực của một cá nhân.
Bên cạnh đó, ghi nhận sự đóng góp của người khác là chìa khóa để làm việc nhóm hiệu quả và đảm bảo thành công chung. Hành động này khuyến khích việc tự do chia sẻ lý tưởng, tạo cảm giác an toàn cho các thành viên, đồng thời ngăn ngừa sự ganh ghét hoặc cảm xúc tiêu cực chốn công sở.
Để làm được điều này, mọi người cần trích dẫn nguồn thông tin và chủ nhân ý tưởng trong mọi hoàn cảnh. Cách truyền đạt và giao tiếp rõ ràng cũng cần được chú ý. Ví dụ khi sử dụng ý tưởng của ai đó, bạn có thể mở đầu bằng lời giới thiệu: "Tôi thực sự thích những gì anh/chị B từng đề cập, tôi nghĩ chúng ta nên..." hay "Thêm vào đề xuất của đồng nghiệp A tôi nghĩ..."
"Việc công nhận ý tưởng và đóng góp của mọi người là điều quan trọng để kích thích sự sáng tạo, tăng động lực và khả năng cống hiến của mỗi người", Hannah Smith nói.
Minh Phương (Theo Fast Company, HRD, Fober)
Đăng thảo luận