TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đang trong đợt triều cường cao nhất năm, lặp lại mốc lịch sử 1,8m của tháng 9-2019.
Người dân trong hẻm ở đường Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, quận 7) bì bõm lội nước ẵm con đi học hôm 18-10 - Ảnh: LÊ PHAN
TP.HCM đã đầu tư nhiều công trình mang tính giảm ngập, ngăn triều nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Triều cường vẫn là "đặc sản" ở TP.HCM.
Thêm vất vả vì triều cường
Sáng 18-10, triều cường tại TP.HCM dâng cao, một số nơi ở quận 7 nước chưa kịp rút do mưa hôm trước thì hứng thêm đợt ngập mới. Từ sáng sớm, nước bắt đầu tràn lên từ cống thoát tại các con hẻm thuộc đường Bùi Văn Ba. Đến 7h sáng, nước ngập sâu cả mét.
Đây là khu vực đông dân cư, công nhân sinh sống. Ngập nặng gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân vào buổi sáng. Nhiều phụ huynh phải lội qua nước ngập để cõng con đi học. Một số người phải bọc kín cặp, giày trong túi nhựa để tránh bị ướt. Cảnh tượng phụ huynh vất vả lội nước, cõng con trên vai khiến nhiều người không tin đang sống ở đô thị.
Cách đó không xa, mặt đường Trần Xuân Soạn dọc theo kênh Tẻ lúc nước rút nhìn như "tấm chiếu rách" được vá chằng chịt. Nhiều ổ gà do nước ngập làm mặt đường tróc ra tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người dân bất cứ lúc nào. Đây là tuyến đường thường xuyên ngập của TP.HCM. Cứ mỗi tháng hai lần người dân lại bì bõm lội nước, mặt đường và sông gần như hòa làm một.
Con đường Lê Văn Lương sau lưng Trung tâm thương mại SC VivoCity sau khi nước rút cũng lộ ra nhiều ổ gà. Nước ngập thường xuyên ở đoạn đường này khiến nhiều hộ kinh doanh ăn uống phải đóng cửa tiệm.
Trở về khu đông, bắc TP.HCM nơi các quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12 trải dài theo sông Sài Gòn nhiều nơi cũng bị ngập.
Tại quận Bình Thạnh, ngập nặng nhất thuộc khu Bình Lợi, Bình Quới. Nước ngập lênh láng không còn thấy đâu là mặt đường. Còn quận Gò Vấp các tuyến đường dọc sông Vàm Thuật cũng bị nước xâm lấn. Phía TP Thủ Đức có khu Thảo Điền, Thủ Thiêm, Hiệp Bình Chánh cũng trong tình trạng "nước tràn bờ".
Ngập nước do triều cường kết hợp thêm mưa to và kẹt xe khiến người dân ngao ngán, ám ảnh. Đi lại khó khăn đã đành, nước còn tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc và mất an toàn với hệ thống điện.
Trông chờ dự án chống ngập
Để giải quyết bài toán ngập do triều cho một phần TP.HCM, năm 2016 TP bắt đầu xây dựng dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 gồm bảy hạng mục với sáu cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn.
TIN LIÊN QUANTriều cường đạt đỉnh, đường Trần Xuân Soạn không còn bến bờ
Hôm nay triều cường TP.HCM đạt đỉnh lịch sử 1,8m, đường nào sẽ ngập?
Công trình này được triển khai với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực có diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Đây là dự án kéo dài nhiều năm qua, TP.HCM và trung ương đã có rất nhiều cuộc họp để tìm lối ra nhưng vẫn còn vướng. Gần đây nhất Chính phủ đã lập tổ công tác đặc biệt để gỡ nhưng hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.
Trong đó phương thức thanh toán, cấp vốn cho dự án là điểm nghẽn nhất vì các quy định chồng chéo. Chủ tịch UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc đối với dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng.
Trong khi chờ đợi dự án này được gỡ vướng, HĐND TP.HCM đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo chống ngập và làm kè đường Trần Xuân Soạn với tổng vốn đầu tư 375 tỉ đồng. Hai dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2025, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7 làm chủ đầu tư.
Hai dự án trên kết hợp với hạng mục cống Tân Thuận của dự án ngăn triều 10.000 tỉ, đường Trần Xuân Soạn, quận 7 được kỳ vọng hết ngập.
Khu vực chợ Thủ Đức ngập nặng vào tháng 5-2024. Thời điểm này mưa lớn vượt thiết kế cống, thêm vào đó trùng vào thời điểm triều cường dẫn tới nước thoát không kịp - Ảnh: LÊ PHAN
Chống ngập ở TP Thủ Đức ra sao?
Liên quan vấn đề ngập do triều cường tại TP Thủ Đức, địa phương này nhận định ít chịu ảnh hưởng nhưng vẫn có những đường bị ngập khi kết hợp giữa triều cường và mưa.
Cụ thể, đường 38 và đường B ở phường Hiệp Bình Chánh, đường Quốc Hương và Nguyễn Văn Hưởng ở phường Thảo Điền, Dương Văn Cam và Đặng Thị Rành thuộc khu vực chợ Thủ Đức...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Quản lý phát triển hạ tầng TP Thủ Đức cho biết việc ngập do triều cường kèm theo mưa ở TP Thủ Đức có nhiều lý do tác động. Và hạ tầng là vấn đề cần tập trung cải thiện.
Hiện TP Thủ Đức có khoảng 219 tuyến sông, suối, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước và tưới tiêu. Tuy nhiên, do địa hình thấp, trũng nên khả năng thoát nước bị phụ thuộc thủy triều và nguồn nước từ thượng lưu đổ về.
Qua rà soát cho thấy hầu hết cống thoát nước tại TP Thủ Đức đã được đầu tư xây dựng từ lâu và chỉ thoát nước chung cho cả nước mưa, nước thải. Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ và có nhiều đoạn bị xuống cấp, hư hỏng.
Giải pháp trước mắt, Trung tâm Quản lý phát triển hạ tầng TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị liên quan để duy tu, nạo vét cống, tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng chứa và thoát nước.
Đồng thời, cử người túc trực tại các vị trí có khả năng ngập do triều cường và mưa để giảm bớt tình trạng rác che kín miệng cống và khơi thông dòng chảy.
Về lâu dài, tập trung đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các dự án nâng cấp hệ thống thoát nước, nâng cấp đường sá, nạo vét kênh rạch.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý phát triển hạ tầng TP Thủ Đức cho biết đang phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM để giải quyết việc ngập do triều cường kết hợp mưa ở khu vực bờ tả sông Sài Gòn.
Cụ thể, hoàn thiện các dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm) và dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 (gói thầu xây lắp 5, 6 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm).
Trung tâm sẽ sớm tiếp nhận và triển khai dự án nâng cấp hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - Quốc Hương với kinh phí khoảng 280 tỉ đồng.
Bên cạnh đó kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) khẩn trương tổ chức hoàn thành công tác nghiệm thu và bàn giao Trung tâm Quản lý phát triển hạ tầng TP Thủ Đức đưa vào vận hành trạm bơm PS4 của dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 bơm nước ra rạch Dừa để giảm ngập khu vực đường Thảo Điền.
Còn dự án nâng cấp, gia cố cấp bách đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ rạch Tra đến sông Vàm Thuật) có tổng mức đầu tư 995 tỉ đồng. Dự án này khởi công từ năm 2007 và cơ bản hoàn thành năm 2015 nhưng sau đó bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cuối năm 2017, HĐND TP.HCM từng thông qua chủ trương đầu tư nâng cấp đê bao nhưng chưa thể triển khai vì dự án chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao.
Hiện dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành năm 2027.
Nhiều tỉnh thành ở miền Nam ngập nặng
Ngày 18-10, nhiều tuyến đường trung tâm tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng của TP Cần Thơ chìm trong biển nước do ảnh hưởng của đợt triều cường rằm tháng 9. Mực nước đo được tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đã lên 2,2m, cao hơn báo động 3 là 20cm, thấp hơn 7cm so với đỉnh triều lịch sử vào năm 2022.
Dự báo đỉnh của đợt triều cường này sẽ đạt mức cao nhất vào ngày 19 và 20-10. Đỉnh triều sẽ duy trì trên mức báo động 3 đến hết ngày 23-10, thời gian xuất hiện khoảng 6h-8h sáng và 16h-20h hằng ngày.
Đây là đợt triều cường có thể đạt mức xấp xỉ kỷ lục lịch sử năm 2022 (2,27m), có khả năng gây ngập úng diện rộng tại các khu vực trũng thấp và vùng nội ô ven sông của TP. Còn tại Bến Tre, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre dự báo về đợt triều cường từ ngày 18 đến 22-10 cao hơn mức báo động 3 từ 4 - 18cm (tùy khu vực), do vậy cần phải có phương án ứng phó ngập úng, sạt lở do triều cường.
Đăng thảo luận