Zheng Jiewen nhận ra thu nhập giảm một nửa trong vòng hai năm nên cô phải tạm biệt những món đồ hiệu.

"Tôi thật sự rất sốc", cô gái 23 tuổi ở Quảng Châu nói. Trước đó, Zheng có mức thu nhập hơn 4.200 USD mỗi tháng với công việc người mẫu. Năm ngoái, công ty của Zheng gặp khó khăn nên thu nhập của mọi người giảm mạnh.

Cô cắt giảm chi tiêu để phù hợp với mức sống mới, ngừng mua sắm ở các hãng yêu thích như Louis Vuitton, Chanel hay Prada. Hiện, Zheng và bạn bè đang chuyển sang các sản phẩm pingti - đồ nhái hàng hiệu.

Pingti không phải món đồ sao chép y hệt bản gốc. Nhà sản xuất nói họ "lấy cảm hứng từ thiết kế gốc, đa dạng thêm màu sắc, chất liệu". Xu hướng mua sắm sản phẩm kiểu này đang gia tăng trong bối cảnh lòng tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục.

"Nhu cầu tìm kiếm sản phẩm pingti trên mạng xã hội tăng gấp ba lần", Laurel Gu, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Mintel ở Thượng Hải, nói.

Gu cho biết 10 năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc là nhóm chi tiêu cho hàng xa xỉ nhiều nhất thế giới. Giờ đây, họ buộc phải chuyển hướng.

Các sản phẩm pingti rẻ hơn đáng kể so với hàng gốc. Ví dụ quần yoga Align của Lululemon (LULU) giá 106 USD nhưng hàng nhái chỉ 5 USD.

Doanh thu của tập đoàn LVMH, chủ sở hữu các thương hiệu xa xỉ đã giảm 10% trong 6 tháng đầu ở khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) so với năm 2023. Thị trường này chủ yếu do Trung Quốc chi phối. Các chuyên gia cho rằng xu hướng pingti đang góp phần làm tình trạng tiêu dùng và doanh số bán lẻ kém.

Gen Z Trung Quốc dùng hàng nhái để tiết kiệm  第1张

Cửa hàng Louis Vuitton ở Trung Quốc. Ảnh: CNN

Xinxin, giáo viên tiểu học ở Trùng Khánh, cho biết cô từng là fan cuồng của serum Estée Lauder. Tuy nhiên, lương của Xin đã bị cắt 20% trong năm nay, khiến cô chuyển sang dùng hàng pingti. Cô tìm thấy sản phẩm có cùng thành phần với hàng thật nhưng giá chỉ 14 USD, trong khi serum chính hãng là 72 USD.

Xinxin và Zheng vẫn cảm thấy mình may mắn khi còn có công việc. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc của người ở độ tuổi 18-24, không bao gồm sinh viên, đã tăng lên 18,8% vào tháng 8.

Nicole Hal, 33 tuổi ở Quảng Châu, cho rằng sự khó khăn kinh tế đã khiến cô cắt giảm chi tiêu, dù cô kiếm được ít nhất 570.000 USD mỗi năm. Cô đã ngừng mua sắm túi xách, quần áo xa xỉ và sản phẩm chăm sóc da đắt tiền. Thậm chí, cô phải ngừng ăn ngoài, tự nấu ăn ít nhất bốn ngày một tuần.

Chu kỳ của suy giảm tiêu dùng đã góp phần tác động vào loạt dữ liệu kinh tế u ám, một số ngân hàng đầu tư đã dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống dưới mục tiêu 5%.

Ngọc Ngân (Theo CNN)