Di tích Hải Vân Quan đã trùng tu xong nhiều tháng nhưng đến nay vẫn đóng cửa vì Huế và Đà Nẵng chưa thống nhất được kế hoạch quản lý, khai thác du lịch.

Theo kế hoạch, di tích Hải Vân Quan hoàn thành trùng tu và đưa vào khai thác du lịch từ đầu năm 2024 nhưng đến nay di tích này vẫn "đóng cửa cài then" vì chưa có phương án quản lý và khai thác du lịch giữa hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Nhiều du khách đến Hải Vân Quan gần đây "hụt hẫng" vì không được vào tham quan.

Hải Vân Quan vẫn đóng cửa sau trùng tu  第1张

Toàn cảnh di tích Hải Vân quan cuối tháng 6. Ảnh: Trung Phan

Trao đổi với VnExpress ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết Hải Vân Quan là di tích duy nhất ở Việt Nam tọa lạc trên địa phận 2 tỉnh - thành phố (tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng) nên các thủ tục từ xây dựng hồ sơ khoa học; khoanh vùng bảo vệ; đầu tư xây dựng bảo tồn, tu bổ; cơ chế quản lý khai thác hoạt động phục vụ khách, mức thu phí... đều phải được thống nhất của hai địa phương. Công tác chuẩn bị, tham mưu mất nhiều thời gian là một trong những nguyên nhân chính làm chậm đưa vào khai thác di tích.

Theo ông Tuấn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng xây dựng đề án quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với các phương án theo quy định của pháp luật và tiếp tục xin ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương liên quan. Tuy nhiên, đến nay, qua nhiều cuộc thảo luận, hai địa phương vẫn chưa thống nhất được kế hoạch quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích.

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết ở khu vực đỉnh đèo Hải Vân (ở độ cao gần 500 m so với mực nước biển) không được thuận lợi, buổi sáng luôn có mây mù dày đặc, buổi chiều thường có mưa dông và gió lốc mạnh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Nguồn nước sinh hoạt tại khu vực này chủ yếu là từ nước suối và nước mưa dự trữ nên cũng ảnh hưởng đến quá trình hoạt động quản lý, vận hành khai thác để sẵn sàng đón khách du lịch.

Để đảm bảo phát huy hiệu quả giá trị di tích Hải Vân Quan, nhằm phục vụ tốt và thu hút khách du lịch, ông Tuấn cho rằng về lâu dài cần có dự án nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực đỉnh đèo Hải Vân, tổ chức sắp xếp các khu vực dịch vụ thuận lợi, tiện ích và hiện đại, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch phù hợp điều kiện địa hình và cảnh quan thiên nhiên.

Hải Vân Quan được xây dựng năm 1826, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí đắc địa, được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế. Với cái nhìn chiến lược, triều đình nhà Nguyễn đã dựa vào địa thế tự nhiên để xây dựng thành lũy đặc thù, phát huy cao nhất tính năng quân sự. Công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng. Việc sớm mở cửa đón khách tham quan góp phần lan tỏa giá trị di tích, phát triển du lịch của hai địa phương.

Hải Vân Quan được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2017, thời điểm này công trình bị hư hỏng và xuống cấp nhiều hạng mục. Năm 2021, sau quá trình dài xúc tiến các thủ tục, chính quyền Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã thống nhất thực hiện dự án trùng tu với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đầu năm nay.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết hai bên đang gấp rút tìm ra các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn để đưa ra phương án vận hành hợp lý, hiệu quả đối với điểm di tích này. "Thời gian dự kiến mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch tại di tích Hải Vân quan dự kiến trong quý III năm nay", ông Tuấn nói.

Tuấn Anh