Các thống kê ước tính Việt Nam hiện khoảng 2 triệu cặp vợ chồng gặp khó khăn khi muốn có con, có thể do những bất thường ở cơ quan sinh sản, lối sống chưa lành mạnh hoặc lớn tuổi.
"Các thống kê cho thấy 40% nguyên nhân vô sinh hiếm muộn đến từ nam giới, 40% đến từ nữ giới và 20% còn lại đến từ cả hai phía hoặc không rõ nguyên nhân", bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, cố vấn chuyên môn hệ thống IVFMD, nói ở lễ khai trương Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Gia Định, ngày 10/9.
Con số vợ chồng vô sinh hiếm muộn đến khám cũng tăng nhanh theo các năm, thống kê từ các bệnh viện cho thấy. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số cặp vợ chồng vô sinh nguyên phát, thứ phát là bao nhiêu. Vô sinh nguyên phát là tình trạng các cặp vợ chồng chưa bao giờ có thai hoặc sinh con, trong khi vô sinh thứ phát là tình trạng các cặp vợ chồng đã từng có con (hoặc mang thai, kể cả sảy thai) nhưng hiện tại gặp khó khăn trong việc có con nữa.
Theo bác sĩ Tường, Việt Nam đang đối mặt thách thức mức sinh thấp và tỷ lệ vô sinh cao. Trong đó, mức sinh của Việt Nam đang thấp ở "mức đáng lo ngại", có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế.
Tổng tỷ suất sinh năm 2023 cả nước là 1,96 con/phụ nữ, mức thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. TP HCM nằm trong nhóm những địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, giảm ở mức cảnh báo qua từng năm.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường chia sẻ tại chương trình sáng 10/9. Ảnh: Hà Phan
Một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn là những bất thường về tinh trùng, các bệnh lý ở tử cung, buồng trứng, nội tiết... Sống lâu trong môi trường độc hại, tiếp xúc nhiều với hóa chất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm bẩn, lối sống chưa lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, chất cấm, đồ ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng và ăn uống bất hợp lý... cũng khiến các chất độc hại tích tụ dần vào cơ thể, từ đó góp phần khiến tình trạng này gia tăng
Ngoài ra, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn tăng nhanh còn vì xu hướng lập gia đình, có con trễ. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam tăng dần những năm qua, hiện ở mức 27,2, riêng TP HCM đã vượt 30.
"Con cái là một yếu tố quan trọng để mang lại sự gắn kết và hạnh phúc cho các gia đình ở Việt Nam", bác sĩ Tường nói. Một đứa con không chỉ mang lại hạnh phúc cho hai vợ chồng mà còn là niềm vui cho gia đình, họ hàng. Ngược lại, việc không có con sẽ là một áp lực lớn, từ nhiều phía, lên cuộc sống và hạnh phúc của vợ chồng.
Do đó, việc điều trị sớm và hiệu quả là rất quan trọng. Khả năng có thai và hiệu quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào tuổi của người vợ. Việc trì hoãn điều trị sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng có con của hai vợ chồng. Hiện nay, các phác đồ điều trị mới, áp dụng các công nghệ hiện đại đã giúp cải thiện đáng kể cơ hội thành công.
Điều trị hỗ trợ sinh sản tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD - Gia Định, Bệnh viện Đa khoa Gia Định. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Tường khuyến cáo các cặp đôi trước khi lập gia đình nên kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Nếu có bất thường về sinh sản, nên điều trị càng sớm càng tốt, bởi "thời gian là yếu tố rất quan trọng". Sau tuổi 30, khả năng sinh sản sẽ giảm dần. Kết quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào tuổi của người phụ nữ. Điều trị sớm, hiệu quả sẽ tốt hơn, tăng cơ hội có những đứa con khỏe mạnh.
Lê Phương
Đăng thảo luận