Kẻ lừa đảo giả danh cán bộ công an, yêu cầu bị hại gửi túi tiền đến cổng công an huyện rồi ghé qua, yêu cầu cán bộ trực cổng cho lấy túi đồ gửi 'anh Hoan'.

Lừa đảo dân gửi tiền ở cổng công an huyện rồi chiếm đoạt  第1张

Bị can Hà Văn Quỳnh bị khởi tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sàn" - Ảnh: Công an huyện Ngọc Hồi

Ngày 6-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Văn Quỳnh (28 tuổi, trú thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, các đơn vị chức năng công an huyện này vừa bắt quả tang Hà Văn Quỳnh khi đang giả danh cán bộ công an để lừa tiền người dân.

  • Lừa đảo dân gửi tiền ở cổng công an huyện rồi chiếm đoạt  第2张

    Giả danh phó giám đốc công an tỉnh để hù dọa người dân, doanh nghiệpĐỌC NGAY

Khoảng cuối tháng 6-2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi nhận được tin báo của ông B.M.H. (40 tuổi, trú xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi), về việc có người giả mạo công an đòi gửi tiền.

Cụ thể, một tài khoản Zalo tên "Xuân Hoan" tự xưng là cán bộ Công an huyện Ngọc Hồi liên hệ và yêu cầu ông H. gửi tiền.

Do ông H. có quen biết một người tên Hoan đang công tác tại Công an huyện Ngọc Hồi, nên khi nghe đề nghị, ông H. tin tưởng, chuyển tiền 2 lần vào số tài khoản do "Xuân Hoan" cung cấp.

Đến ngày 2-7, tài khoản Zalo này tiếp tục thúc giục, yêu cầu gửi tiền nên ông H. nghi ngờ, tìm hiểu thì biết mình bị lừa. Ông H. đã báo cáo sự việc với công an.

Lần này, để tạo sự tin tưởng, Quỳnh liều lĩnh yêu cầu người bị hại đem tiền đến tận cổng Công an huyện Ngọc Hồi gửi. Sau đó Quỳnh trực tiếp đến và yêu cầu cán bộ trực cổng cho nhận túi đồ gửi cho "anh Hoan".

Chiều 2-7, công an bắt quả tang Hà Văn Quỳnh khi anh ta đang chiếm đoạt số tiền bị hại giao đến.

Quá trình điều tra, công an xác định Quỳnh có một tiền án về tội hiếp dâm, một tiền án về tội giao cấu với trẻ em.

Cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn giả danh công an để lừa đảo

Theo Công an huyện Ngọc Hồi, chiêu trò lừa đảo giả danh công an đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây. Hiện nay các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ để thực hiện thủ đoạn tinh vi hơn.

Thủ đoạn chung là thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội để liên lạc với bị hại. Các hình thức lừa đảo phổ biến như: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đang điều tra vụ án; giả danh cảnh sát giao thông yêu cầu người dân nộp phạt nguội; giả danh công an hướng dẫn cài đặt VNeID; giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học…

Do đó, người dân cần tự cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo. Cần tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa. Không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch.