Lâm ĐồngNgười dân có bò sữa chết do tiêm vaccine NAVET-LPVAC không đồng tình với phương án đền bù quá thấp mà doanh nghiệp đưa ra.
Hơn hai tháng qua, ông Võ Văn Cao, 49 tuổi, ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, luôn thấp thỏm, lo âu cho đàn bò sữa ốm lòi xương vì mắc tiêu chảy sau khi tiêm vaccine NAVET-LPVAC phòng viêm da nổi cục của Công ty Navetco. "Tôi vừa bán ba con bò mẹ chỉ vỏn vẹn được 20 triệu đồng, giá như phế thải cũng phải chấp nhận vì chúng bị suy nhược không thể sống nổi", ông nói và cho biết lúc mua về nuôi lấy sữa 60 triệu đồng mỗi con.
Đàn bò sữa gần 80 con của ông Cao được tiêm vaccine ngày 27/7, hai hôm sau một số bỏ ăn, tiêu chảy. Sau đó là chuỗi ngày đàn bò đổ bệnh. Mỗi ngày ông tốn hàng chục triệu đồng tiền mua thuốc điều trị tiêu chảy ở người cứu bò. Sữa vắt xong công ty không mua, 8 ngày ông phải đổ đi tổng cộng 6,4 tấn.
Một con bò của người dân xã Hiệp Thanh, huyện Đức Trọng, bị chết sau khi tiêm vaccine, được chở đi tiêu hủy hồi cuối tháng 7. Ảnh: Hắc Minh
Theo ông Cao, trong số bò bệnh, hai con chết, 11 bò mẹ sẩy thai. Do thời điểm đầu tháng 8, cơ quan chức năng chưa xác định sự cố do vaccine nên khi bò chết, ông tự xử lý, không báo với chính quyền địa phương. Vừa rồi phía công ty thông báo hai con bò bị chết không được đền bù, mà chỉ hỗ trợ 6 triệu đồng mỗi con.
"Hơn 13 năm nuôi bò, tôi chưa từng chứng kiến cảnh cả đàn đổ bệnh một lúc nhiều như thế, thiệt hại không gì kể xiết", ông Cao nói, cho hay phương án công ty đền bù quá thấp, không đáng bao nhiêu so với thiệt hại nông dân gánh chịu sau sự cố bò tiêm vaccine.
Trước đó, từ cuối tháng 7, hàng nghìn bò sữa của nông dân Lâm Đồng đổ bệnh, chết sau khi tiêm vaccine NAVET-LPVAC do Công ty Navetco cung cấp. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, xác định vaccine là tác nhân gây ra sự cố, Công ty Navetco cam kết bồi thường thiệt hại cho người nuôi.
Theo phương án đưa ra cuối tuần trước, công ty bồi thường dựa vào trọng lượng thực tế bò chết (có đầy đủ hồ sơ) với mức 55.000 đồng/kg bò hơi; 60.000 đồng/kg bò mang thai; 65.000 đồng/kg bò sinh sản không mang thai; 70.000 đồng/kg bò sinh sản mang thai. Hộ bán bò chết được hỗ trợ 7 triệu đồng mỗi con; bò tự xử lý 10 triệu đồng mỗi con.
Công ty Navetco cũng đưa ra mức hỗ trợ chi phí điều trị bệnh 1 triệu đồng/con và chi phí thiệt hại sản xuất (bò đang khai thác sữa) 2,1 triệu đồng/con; bò bệnh bị sẩy thai 6,1 triệu đồng mỗi con. Thời điểm tính bồi thường, hỗ trợ tính từ ngày phát sinh ca bệnh đầu tiên đến 16h ngày 26/9.
Bò sữa của anh Phạm Văn Hiếu đang được chăm sóc, truyền nước hồi phục. Ảnh: Hắc Minh
Anh Phạm Văn Hiếu, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, cho biết mức hỗ trợ như trên quá thấp, không thể bù đắp thiệt hại cho các chủ hộ nuôi. Gia đình anh có 13 bò sữa bị ảnh hưởng bởi vaccine (4 con chết, 9 con sẩy thai). Mỗi con được anh mua giống dao động từ 55-60 triệu đồng mỗi con. Tuy nhiên, với phương án công ty đưa ra, anh được bồi thường khoảng 130 triệu đồng. Mức này không đủ để anh mua lại hai bò sữa, vì hiện tại bò giống giá 70 triệu đồng mỗi con.
Chưa kể, theo anh Hiếu, sự cố khiến đàn bò sụt giảm sữa hơn 50%, trong khi chi phí chăm sóc chúng cao gấp đôi so với trước. Sau khi bò bệnh, mỗi ngày anh vắt 4 con chưa được 10 kg sữa, bán giá 15.000 đồng mỗi kg, không đủ chi phí mua thức ăn cho bò.
Tại cuộc họp với Công ty Navetco hôm 28/9, anh Hiếu cùng nhiều người nuôi bò đưa ra đề nghị mức đền bù tối thiểu giá gần như gấp đôi so với mức doanh nghiệp đưa ra. "Nếu công ty vẫn giữ nguyên quan điểm, tôi yêu cầu họ lấy tiền đền bù mua bò giúp người dân phục hồi sản xuất. Tiêm vaccine gây thiệt hại bao nhiêu thì trả lại bấy nhiêu", anh Hiếu nói.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) cho biết đây mới là phương án lần đầu công ty đưa ra lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, giữa hai bên chưa tìm được sự đồng thuận. Chi cục sẽ yêu cầu doanh nghiệp gặp gỡ, thương lượng với người dân để thống nhất phương án bồi thường thỏa đáng.
Thống kê của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, hơn 9.100 bò của 5 huyện, thành phố ở địa phương sau khi tiêm phòng vaccine của Công ty Navetco xuất hiện triệu chứng bỏ ăn, sốt, tiêu chảy. Cục Thú y kết luận nguyên nhân gây tiêu chảy là nhiễm Pestivirus tauri có trong vaccine NAVET-LPVAC. Đến ngày 28/9, toàn tỉnh có 7.375 con bò bị bệnh; trong đó 550 con chết, 6.641 con phục hồi và còn 184 con mắc bệnh đang được theo dõi, điều trị.
Trường Hà
Đăng thảo luận