Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Không bao giờ có vua tiếng Việt"

(Dân trí) - Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định tại buổi giao lưu cùng các tác giả bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp".

Sáng 21/9, NXB Trẻ tổ chức buổi giao lưu cùng 5 tác giả có sách thuộc bộ Tiếng Việt giàu đẹp. Đây cũng là sự kiện nhân dịp bộ sách vừa ra mắt hai tựa mới trong năm nay là Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm của tác giả Lê Minh Quốc và Tình ca tiếng nước ta của tác giả Dương Thành Truyền.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Không bao giờ có vua tiếng Việt"  第1张

Các tác giả có sách thuộc bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp" giao lưu tại chương trình (Ảnh: Bích Phương).

Trong buổi giao lưu, GS.TS. Nguyễn Đức Dân - tác giả của 4 tựa sách trong Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp (Nỗi oan thì, là mà; Từ câu sai đến câu hay; Triết lý tiếng Việt; Muôn màu lập luận) cho biết hiện nay nhiều bạn trẻ quan tâm đến tiếng Việt, đó là điều rất đáng mừng. Ông mong muốn giới trẻ nâng cao hiểu biết cũng như khả năng sử dụng tiếng Việt.

"Tiếng Việt có nhiều từ ai cũng dùng, nhưng hiểu về ý nghĩa sâu xa của từ đó thì ít người biết. Có nhiều điều chúng ta không ngờ tới về triết lý tiếng Việt, ví dụ ca dao tục ngữ, những kiểu nói đối đáp. Tiếng Việt hay ở chỗ là có những từ tưởng như không hay, nhưng dù chúng ta giỏi ngoại ngữ đến đâu thì việc dịch sang tiếng Anh là không thể", GS.TS. Nguyễn Đức Dân nói.

Theo GS.TS. Nguyễn Đức Dân, tiếng Việt có điểm thú vị ở phương pháp biểu trưng, có những từ dùng cái A để nói cái B, nhưng người sử dụng vẫn hiểu ý nghĩa của từ đó. Phương pháp biểu trưng được áp dụng nhiều trong ca dao tục ngữ.

"Ví dụ như có câu "Học thầy không tày học bạn". Nhưng cũng có câu "Không thầy đố mày làm nên". Hai câu này không hề mâu thuẫn nhau. Hoặc chúng ta vẫn thường nói "Con ông, cháu cha", "Mẹ tròn con vuông", những từ nghe thì không có lý nhưng thực ra ai cũng hiểu", GS.TS. Nguyễn Đức Dân đưa ra quan điểm.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Không bao giờ có vua tiếng Việt"  第2张

GS.TS. Nguyễn Đức Dân chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Bích Phương).

Nhà thơ Lê Minh Quốc - Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TPHCM - cho rằng ca dao tục ngữ là bản sắc của tiếng Việt, thể hiện trí thông minh, bản lĩnh của người Việt trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của ông cha.

"Ca dao tục ngữ là ngữ liệu căn bản để tôi tìm hiểu về tiếng Việt. Ca dao tục ngữ là vũ khí dựng nước, giữ nước của ông bà tổ tiên chúng ta, dù đất nước bị đô hộ 1 nghìn năm vẫn không bị mai một văn hóa. 

Theo tôi, tiếng Việt đã ổn định, đi sâu vào lời ăn tiếng nói người Việt Nam. Không cần phải cải cách tiếng Việt, bởi nếu cải tổ sẽ chỉ có một con đường duy nhất là thất bại.

Tôi cũng cho rằng không bao giờ có vua tiếng Việt mà chỉ có những người Việt học hỏi lẫn nhau về tiếng Việt. Ví dụ như nhà văn Tô Hoài, một người rất giỏi tiếng Việt, nhưng vẫn phải học hỏi về ngôn ngữ từ người nông dân, người buôn bán", nhà thơ Lê Minh Quốc nói.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Không bao giờ có vua tiếng Việt"  第3张

Nhà thơ Lê Minh Quốc là tác giả của tựa sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (Ảnh: NXB Trẻ).

Trong buổi giao lưu, PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lang, tác giả của tựa sách Tiếng Việt Phương Nam, bàn về phương ngữ đặc trưng của người dân miền Nam. 

PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lang cho biết ngôn ngữ Nam bộ chịu ảnh hưởng nhiều bởi đặc điểm địa lý tự nhiên. Ngoài ra, sự hội tụ nhiều dân tộc, nền văn hóa cũng đã giúp phương ngữ miền Nam có sự đa dạng, dồi dào. 

"Miền Nam nhiều sông lắm rạch nên từ ngữ về sông nước rất đa dạng. Vùng đất này cũng hội tụ nhiều dân tộc, như người Việt, người Khmer, người Chăm, người Hoa..., tạo nên sự phong phú của ngôn ngữ.

Ví dụ đến bây giờ, phương ngữ Nam bộ có những từ mượn của tiếng Quảng Đông như tía, lạp xưởng, xíu mại, xí muội... Đối với riêng vùng đất Sài Gòn, nay là TPHCM, ngôn ngữ ở đây gọi là bán phương ngữ vì có sự tiếp xúc, giao thoa nhiều văn hóa. Ví dụ như người dân dùng từ "bánh canh giò heo", nhưng vẫn dùng từ "bánh da lợn"", PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lang nói.

Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp do NXB Trẻ phát hành, đến nay đã xuất bản 11 tựa sách, với sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước.

Bộ sách góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc.