Xu hướng du lịch giàu tiềm năng
Du lịch MICE đang trở thành “con gà đẻ trứng vàng” ở Việt Nam khi loại hình này đã tăng trưởng nhanh chóng. Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, hiện khách du lịch MICE chiếm 15 - 20% tổng lượng khách lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Việt Nam đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ. Đây là đoàn khách MICE của Ấn Độ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam và có mức chi tiêu lớn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng chia sẻ, tính riêng dịp hè 2024, lượng khách du lịch MICE mà doanh nghiệp đón đã tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu cho hay, hiện doanh nghiệp đã nhận được các hợp đồng tour MICE đến hết quý IV/2024.
Khách du lịch quốc tế tham quan Hà Nội bằng xe bus 2 tầng. Ảnh: Hoài NamThông tin từ Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã phục vụ hơn 100.000 lượt khách MICE. Ngoài việc tăng số lượng các đoàn khách, quy mô mỗi đoàn khách cũng tăng lên đáng kể, trong đó đông nhất là đoàn 700 khách đi Hà Nội - Ninh Bình và đoàn 630 khách đi Nha Trang.
Riêng với thị trường quốc tế, theo Giám đốc marketing Công ty CP Truyền thông du lịch Việt Phạm Anh Vũ, hiện các doanh nghiệp lữ hành đã nhận được nhiều tour MICE khảo sát thị trường Thái Lan, Đài Loan, tổ chức hội nghị khách hàng ở Nhật Bản, Dubai. Một số doanh nghiệp đặt tour MICE đào tạo cán bộ tại các quốc gia khác có thế mạnh về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như Australia, New Zealand…
Khẳng định về những lợi ích mà du lịch MICE mang lại, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho rằng, phát triển du lịch MICE đem đến nhiều lợi ích to lớn, từ các đóng góp về kinh tế, về văn hóa, xã hội. Đặc biệt, du lịch MICE được đánh giá là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các loại hình du lịch thông thường.
Doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế trao đổi cách thức đón đoàn du lịch MICE tại Hội chợ MICE EXPO 2024. Ảnh: Hoài NamTrong đó, Hà Nội sở hữu nhiều dòng sản phẩm là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch MICE, thu hút du khách đến tổ chức sự kiện, trải nghiệm và trở thành thế mạnh của du lịch Thủ đô. Hay như Đà Nẵng cũng là thành phố có đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu về du lịch MICE, như cơ sở vật chất hiện đại, giá thành dịch vụ phù hợp, giao thông thuận tiện, đặc biệt là thành phố có các chính sách tư vấn, hỗ trợ và chào đón dòng khách này…
Việc Việt Nam thu hút một lượng lớn du khách tham gia loại hình du lịch MICE đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tháng 3/2024, tại Lễ trao giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức tại CHLB Đức, Việt Nam một lần nữa được vinh danh ở nhiều hạng mục quan trọn như “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á”, “Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á”.
Không chỉ các thành phố mới được vinh danh điểm đến du lịch MICE mà doanh nghiệp như Vietnam Airlines được vinh danh là “Hãng hàng không MICE hàng đầu châu Á”; Vietravel được vinh danh “Đơn vị tổ chức du lịch MICE hàng đầu châu Á”.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Theo các chuyên gia du lịch mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch MICE, nhưng hiện loại hình du lịch này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đoàn khách du lịch MICE Ấn Độ tham quan Quốc Tử Giảm. Ảnh: Hoài NamTại sự kiện kết nối kinh doanh du lịch MICE 2024 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết nhiều địa phương muốn thu hút khách du lịch MICE nhưng hệ thống dịch vụ như khách sạn, địa điểm tổ chức sự kiện, sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối giữa các ngành và vùng.
Một số địa phương dù có nhiều khách sạn 5 sao nhưng lại thiếu các trung tâm hội nghị với đầy đủ dịch vụ phục vụ hàng nghìn khách. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu các hoạt động trải nghiệm phong phú. “Đây là lý do địa phương chưa thu hút khách MICE lưu trú dài hạn, tổ chức các sự kiện thường xuyên”- ông Bình khẳng định.
Để tháo gỡ điểm nghẽn Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, các địa phương cần quy hoạch tổng thể khu vực phát triển du lịch MICE, từ đó có chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển chuỗi dịch vụ lưu trú, giải trí, mua sắm chuyên nghiệp, đáp ứng được lượng khách lớn và chi tiêu cao. Bên cạnh đó hoạt động quảng bá du lịch MICE cũng cần được đẩy mạnh, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch cũng là yếu tố quan trọng giúp ngành MICE phát triển bền vững.
Hàn Quốc thông qua du lịch MICE quảng bá sự kiện tại Việt Nam. Ảnh: Hoài NamBàn về giải pháp giúp cho ngành du lịch hút khách du lịch MICE, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… cần đầu tư cơ sở hạ tầng với nhiều loại hình dịch vụ chất lượng, hệ thống khách sạn quy mô lớn để du khách vừa tổ chức sự kiện, vừa trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí.
“Ngành du lịch cần có chương trình phát triển du lịch MICE, xây dựng các sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh xúc tiến quốc tế và có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp" - ông Thản nói.
Để giải quyết bài toán về địa điểm, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Mice Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng các địa phương nên tạo điều kiện để những nơi có không gian ngoài trời rộng như công viên, bảo tàng, công sở, trường học… có thể trở thành điểm tổ chức hoạt động du lịch MICE.
"Khi chưa thể có ngay một tổ hợp đúng nghĩa về MICE thì những nơi như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám hoặc những công viên, bảo tàng, thư viện, trường đại học… đều có thể trở thành nơi tổ chức sự kiện, kết hợp lồng ghép các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương sẽ tạo thành điểm đến MICE rất hấp dẫn" - ông Đức hiến kế.
Đăng thảo luận