Việc tốt sẽ có tính lan tỏa, nhất là việc tốt xuất phát từ những thành viên trong nhà. Lâu dần điều này trở thành nếp nhà, thành chất keo gắn kết, bởi đôi mắt ai cũng ngời sáng khi rủ rê nhau làm việc thiện.

Nếp nhà gieo mầm thiện  第1张

Gia đình bà Đặng Thị Trúc (quận Tân Bình, TP.HCM) gói 400 đòn bánh tét gửi tặng bà con miền Bắc - Ảnh: Y. TRINH

Tôi chúc bà con miền Bắc sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chúng tôi chỉ có thể chia sẻ với bà con như vậy.Bà Đặng Thị Trúc

Gia đình bà Đặng Thị Trúc (55 tuổi, ngụ đường Nguyễn Bặc, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng vậy. Từ nhiều năm nay, bà cùng với các chị em, các cháu vào mỗi dịp rằm lớn, đặc biệt là rằm tháng bảy, Trung thu… thường cùng với các nhà hảo tâm quen biết đi phát quà nhu yếu phẩm cho bà con nghèo.

Mấy hôm nay trong phòng khách ấm cúng, bà ngồi chờ các chị em khác gói bánh rồi mình cột dây. Những bộ đồ bộ xanh đỏ, giọng nói rổn rảng, bà cùng năm người trong gia đình và thêm các chị hàng xóm gói 400 đòn bánh tét chay chuyển ra Bắc cho bà con vùng lũ.

Từ 9h, mấy chị em bà và hàng xóm cùng nhau ngồi làm. Chuẩn bị nguyên liệu 100kg nếp, 20kg đậu xanh và 20kg đậu đen, họ chia ra gói hai ngày, ngày nào cũng đến 2h đêm mới xong. Cứ gói được mấy chục đòn là họ đem luộc dần trong ba chiếc nồi.

Bà Trúc cười: "Bây giờ mắt mở không lên, buồn ngủ. Trưa không kịp nghỉ tay, tôi tranh thủ mua bún, dưa leo cho mọi người ăn với nước tương nhưng ai cũng khen ngon".

Còn bà Đặng Thị Sen, chị gái bà Trúc, dù bị đau khớp gối phải quấn đai nhưng ngồi túc trực cùng gói. Chân trái bà duỗi ra, gương mặt tươi cười. Mấy chị em, chòm xóm cùng làm và trò chuyện, tình thân lại càng thêm gắn kết.

Mọi người thường dặn nhau làm việc thiện nhưng phải hiệu quả, trân trọng từng món đồ mình sẽ trao đi. Vì vậy, để bánh tét có thể giữ được lâu "cả tháng không sao", gia đình bà không ngâm nếp qua đêm vì bánh sẽ mau thiu, mà vo kỹ rồi gói. Những đòn bánh được hút chân không, sắp xếp gọn gàng.

Về lý do làm việc thiện này, bà Trúc nói rằng mấy chị em xem tin tức, hình ảnh trên mạng thấy thương quá. Gia đình bà vừa làm vừa kêu gọi thêm người thân quen chung tay.

Đặc biệt có những người ở xa, từng là hàng xóm lâu năm biết thông tin nên đem hàng gửi thêm. Giọng hiền hậu, bà Trúc bộc bạch: "Tôi chúc bà con miền Bắc sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chúng tôi chỉ có thể chia sẻ với bà con như vậy".

Một gương mặt tích cực phụ giúp các bà mà vai vế là dì của bà ngoại mình, đó là Hoàng Nguyễn Bảo Minh (học sinh lớp 11). Minh kể khi biết mọi người trong nhà lên kế hoạch gói bánh, em vui vẻ hưởng ứng liền.

Em phụ lau lá, chuẩn bị nồi và thùng chứa. Khi đem bánh nấu, em ngồi canh nước, canh bánh. Các bà, các cô cần mua thêm gì cứ ới một tiếng là em lẹ làng "tiếp tế".

Hỏi có mệt không, Minh lắc đầu rồi nở nụ cười tươi: "Em cảm thấy rất vui vì việc làm của mình giúp được những người khó khăn. Thêm nữa, nhờ truyền thống gia đình như vậy nên mọi người có sự gắn kết yêu thương nhau hơn".

Không chỉ những đòn bánh, gia đình bà Trúc còn tập hợp những nhu yếu phẩm, thuốc men, dầu gió, có cả bánh mì sấy do những nhà hảo tâm đem đến. Tất cả được chuyển lên xe tải, chở đi Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai… cho kịp thời.

Minh kể nhà em có truyền thống thiện nguyện hàng năm. Minh luôn chú ý phụ giúp gia đình trong những dịp này. Với nét ngại ngùng, hồn nhiên của lứa tuổi học sinh, em bày tỏ: "Em được dạy về truyền thống lá rành đùm lá rách của người Việt mình. Em được trải nghiệm, được thực hành về truyền thống này, cảm thấy hạnh phúc khi tự tay mình chia sẻ với người khó khăn".

Rồi em nở nụ cười thật đẹp, tiếp tục cùng gia đình chăm chút những đòn bánh thơm mùi nếp, mùi đậu chín.

Lòng nhân ái của người lớn trong gia đình được những người cháu như Minh tiếp nối và sẽ tỏa đi rất xa.