Nữ nhân viên hoảng hồn khi sếp hỏi: "Sao em thơm quá"
(Dân trí) - "Nay nhìn Hương ngọt nước quá, thơm nữa, cho anh ngửi tí nhé", sau câu nói của cấp trên, những đồng nghiệp xung quanh người thì cười phá lên, người thì im lặng, chỉ có Hương là đỏ mặt, sợ hãi.
Cảm giác không được tôn trọng
Thiên Hương (25 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM) có hơn 3 năm làm nhân viên văn phòng tại một công ty truyền thông. Trước khi "vào đời", Hương đã được thầy cô, bạn bè và tiền bối ở giảng đường bày cách tránh xa những tình huống có thể bị quấy rối tình dục nơi công sở.
Những tưởng bản thân đã trang bị đầy đủ các kỹ năng, thế nhưng, thực tế cô gái vẫn không thể tránh khỏi việc mình trở thành nạn nhân.
"Tôi không nghĩ mình sẽ là người bị quấy rối tình dục bằng lời nói. Cấp trên, đồng nghiệp thường đùa giỡn bằng những câu nói liên quan đến cơ thể, tình dục mà không hề đỏ mặt, ngại ngùng", Hương nói.
Việc quấy rối tình dục bằng lời nói lẫn hành động đang xảy ra rất nhiều tại nơi làm việc của người lao động (Ảnh minh họa: Chí Hiếu).
Cô gái chia sẻ rằng thời gian đầu mới vào công ty, cô chỉ được cấp trên hỏi thăm về tình hình công việc. Thế nhưng, dần dà, trong mỗi khi tăng ca hay văn phòng vắng người, cấp trên luôn cố ý hỏi thăm những câu mang tính cá nhân như "em có người yêu chưa?", "sao em thơm quá", "nhà em ở đâu",... rồi vô cớ chạm vào tay, tóc của cô gái.
Mặc dù nhiều lần cố gắng tránh né, Hương vẫn không giấu được sự ngại ngùng. Đỉnh điểm nhất là lần Hương bị sếp trêu: "Nhìn em ngọt nước, thơm nữa, cho anh ngửi tí nhé". Lúc ấy, cô gái chỉ có thể gượng cười, đỏ mặt, nhìn xung quanh cầu cứu ai đó giúp mình thoát khỏi tình huống khó xử ấy.
Sau lần đó, Hương chọn cách sống khép kín hơn, tìm cách tránh xa và không tham gia các cuộc trò chuyện có đồng nghiệp khác giới. Cô cũng cẩn trọng hơn trong cách ăn mặc, hạn chế mặc váy khi đến cơ quan.
Mỗi khi cơ quan mở tiệc, Hương nhiều lần từ chối hoặc tìm cách ra về thật sớm để không chạm mặt đồng nghiệp lúc say xỉn.
"Những lần như thế, tôi cảm giác bản thân, một người phụ nữ, bị hạ thấp giá trị và không được tôn trọng. Nhiều người thường đổ lỗi cho nạn nhân rằng "không có lửa làm sao có khói, nếu cô gái đó không ăn mặc hở hang thì đã không bị trêu chọc, quấy rối.
Thực tế, những đồng nghiệp nữ xung quanh tôi mặc quần áo rất bình thường, nhưng họ vẫn trở thành nạn nhân", Hương bộc bạch.
Thanh Hằng (26 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh) kể rằng mình cũng từng bị cấp trên quấy rối tình dục bằng lời nói trong một lần tăng ca muộn.
Dù muốn thoát khỏi tình huống khó xử khi bị quấy rối bằng lời nói, nhiều người lao động vẫn phải chọn cách im lặng (Ảnh minh họa: Chí Hiếu).
"Người sếp đó đã tiếp cận bằng cách hỏi thăm những chuyện liên quan đến công việc rồi tiến đến câu hỏi mang tính cá nhân hơn. Cuộc nói chuyện đó kết thúc bằng hành động xoa vai tôi của sếp, khiến tôi sợ hãi và quyết định nghỉ việc", Hằng kể lại.
Sau lần bị quấy rối đó, cô gái trở nên dè chừng với đồng nghiệp khác giới và né tránh những câu bông đùa đi quá giới hạn. Nữ nhân viên văn phòng chia sẻ đối với ai không dám phản kháng, hay khéo léo né tránh những lời nói đùa khiếm nhã, việc quấy rối tình dục bằng lời nói sẽ nhanh chóng chuyển sang quấy rối bằng hành động.
"Tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp bị trêu ghẹo rồi dần chuyển sang bị đụng chạm cơ thể như xoa vai, lưng, nắm tay hoặc thậm chí là hôn vào má ở các bữa tiệc công ty. Một nữ đồng nghiệp của tôi khi đi công tác ở tỉnh, đã bị đồng nghiệp quấy rối tình dục đến mức phải bỏ chạy khỏi nhà nghỉ, đi chân trần để cầu cứu người dân lúc nửa đêm", Hằng kể lại.
Văn hóa giao tiếp "đồi bại" dần trở thành sự hiển nhiên
Từng bị quấy rối tình dục bằng hành động đến 2 lần, Trúc Ly (28 tuổi, ngụ tại quận 2) thú nhận cô chỉ được đồng nghiệp bảo vệ duy nhất 1 lần, đó là khi cô bật khóc và lên tiếng.
Riêng những lần bị quấy rối bằng lời nói, Ly khẳng định đồng nghiệp xung quanh lúc nào cũng im lặng và tỏ ra bình thường.
"Họ cho rằng lời nói khác với hành động, chưa động chạm cụ thể vào nạn nhân nên tự cho đó là điều bình thường. Nạn nhân thì không phải lúc nào cũng can đảm lên tiếng, vì thế, họ thường chọn cách im lặng và dần trở nên rụt rè, sợ sệt, bởi lời nói quấy rối sẽ tạo nên những tổn thương vô hình", Ly nói.
Theo nữ nhân viên văn phòng Thanh Hằng, cô chọn im lặng mỗi khi bị quấy rối tình dục bằng lời nói là bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
"Người quấy rối thường là cấp trên, đồng nghiệp tiền bối nên tôi rất sợ việc lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến công việc. Không biết từ khi nào, những lời quấy rối lại trở thành văn hóa giao tiếp bình thường và hiển nhiên.
Vậy nên tôi hiểu rằng dù có phản kháng thì kết quả chỉ có bản thân bị đánh giá ngược lại hoặc cũng chẳng có ai đứng về phía mình, bảo vệ cho mình", cô gái bộc bạch.
Những người chứng kiến càng im lặng, người bị quấy rối càng khổ sở (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Theo Hằng, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thực trạng này nơi công sở là nhận thức của mỗi người về khái niệm quấy rối tình dục. Hằng, Thiên Hương và Trúc Ly khẳng định rằng dù đã làm việc nhiều năm nhưng công ty chưa từng tổ chức khóa đào tạo nào về vấn nạn này.
Theo số liệu khảo sát từ tổ chức ActionAid tại Việt Nam, có đến 53,7% nhân viên văn phòng và 59,5% công chức nhà nước từng bị quấy rối tình dục 2-5 lần. Gần đây nhất, sự việc ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, bị tố quấy rối nhân viên nữ đã khiến cộng động mạng bức xúc.
Phản hồi của ông Nam sau sự việc đã khiến dư luận thêm giận dữ vì ông cho rằng hành động của ông là thể hiện sự quan tâm, quý mến, nhưng không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể. Điều không lường được là nó vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương nạn nhân trong sự việc.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Đăng thảo luận