Xem 5 hồ sơ mà không ưng ý đối tượng nào, chị Thảo được công ty hẹn hò gửi một hồ sơ mới phù hợp mọi tiêu chí: Là kỹ sư, đã ly hôn, ở Hà Nội, hơn 2 tuổi.

"Mới phút trước tôi nói mình là một doanh nhân có tiếng, không biết từ đâu họ đã tìm được người đàn ông khiến tôi thấy ưng ngay", chị Thảo, 50 tuổi, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng ở quận Ba Đình, Hà Nội, kể.

Ly hôn đã nhiều năm, bỗng một ngày người phụ nữ nhận ra dù mình mạnh mẽ tới đâu, sâu thẳm vẫn có lúc yếu mềm, cần một người quan tâm. Nửa tháng trước, chị Thảo quyết định tìm một người bầu bạn.

Cô bạn thân gửi cho chị đường link dẫn đến một trang mạng xã hội tên "Hẹn hò tuổi trung niên" có hơn 16.000 lượt thích, hơn 17.000 người theo dõi và hơn 4.000 người đang hoạt động. Trang có những hình ảnh, video và bài báo cho thấy đã có người thật, việc thật được ghép đôi thành công. Thấy tin tưởng nên chị nhắn tin quan tâm dịch vụ.

Sập bẫy công ty hẹn hò giả mạo  第1张

Chị Thảo xem tin nhắn "yêu thương" của đối tượng hẹn hò giả mạo, sáng 18/7 tại Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phan Dương

Sau vài câu trao đổi, chị được chuyển qua Telegram để nói chuyện. Nhân viên của công ty hẹn hò này giới thiệu cho chị Thảo nhiều hồ sơ khác nhau. Nữ doanh nhân ưng người đàn ông thứ 6 có khuôn mặt sáng, hiền lành, trình độ học vấn tốt.

Chị Thảo cho biết suốt quá trình luôn cảnh giác với người của CLB hẹn hò này. "Nhưng tôi lại nghĩ anh ấy người thật và cũng đang có nhu cầu kết bạn thật", chị Thảo nói.

Chị và người đàn ông được giới thiệu bắt đầu trò chuyện. Đôi lúc vài ngày không liên lạc, khi kết nối lại chị lật chủ đề từ trước để nói nhằm thử thách và xác định con người, đạo đức của đối tượng hẹn hò với mình. Bất cứ vấn đề nào, người này cũng tỏ ra hiểu biết. "Anh ta luôn tỏ ra quan tâm, ga lăng, lịch thiệp khiến tôi cảm mến" chị bộc bạch.

Để gặp được nhau, chị Thảo phải làm các nhiệm vụ chuyển khoản, khi một triệu đồng, lúc 10 triệu, 20 triệu đồng. Tuy nhiên trong suốt quá trình chị liên tục bị sai cú pháp, phải nạp thêm tiền. Khi chị bức xúc tranh cãi, họ lấy lý do chị vi phạm quy định "tiết lộ thông tin cá nhân" nên xóa cuộc trò chuyện chung.

Chị Thảo vô cùng lo lắng rằng người "bạn trai" cũng đang bối rối đi tìm mình và có thể đã mất nhiều tiền cho CLB này. Từ thông tin người này nói từng học cấp 3 trường Trần Phú, Hà Nội khóa 1984-1987, chị đã liên hệ nhiều bạn bè, cuối cùng tìm ra được ban quản trị của khóa. Rất nhanh, toàn bộ lớp trưởng các lớp vào xác minh không có người đàn ông nào tên giống với hình ảnh. "Lúc này tôi nhận ra người nói chuyện với mình bao lâu nay chỉ là nhân vật ảo do chúng tạo nên", chị Thảo nói.

Sập bẫy công ty hẹn hò giả mạo  第2张

Hồng Hạnh ở Đồng Nai được giới thiệu những người đàn ông sáng sủa, các tiêu chí phù hợp, trước khi bị lừa 20 triệu đồng, hồi tháng 5/2024. Ảnh: Nạn nhân cung cấp

Ở Long Khánh, Đồng Nai một đêm tháng 5, Hồng Hạnh lướt Facebook thấy xuất hiện tin quảng cáo dịch vụ hẹn hò. "Tôi bật cười, nghĩ rằng chắc họ hiểu mình đang thiếu thốn tình cảm", Hạnh, 31 tuổi, một single mom làm nghề kinh doanh ăn uống nói.

Khi Hạnh ấn vào nút quan tâm, bên kia liên tục hỏi thông tin cá nhân và giới thiệu những người đàn ông phù hợp. Cô chấp nhận ghép cặp với người đàn ông thứ ba họ gửi ảnh - người có vẻ ngoài sáng láng, ở TP HCM, hơn cô hai tuổi.

Hạnh được đưa sang một nhóm trên ứng dụng nhắn tin khác. Trong ba ngày đầu nhắn tin, đối tượng nam tỏ ra đồng cảm và muốn chăm sóc cho Hạnh, người phải rời khỏi cuộc hôn nhân khi con mới hai tháng tuổi.

6 năm một mình làm lụng nuôi con, nay bỗng có người quan tâm từng miếng ăn giấc ngủ nên Hạnh dấy lên hy vọng về hạnh phúc. Cô mong muốn được gặp đối tượng nam ngoài đời. Đến lúc này, cô được nhân viên công ty hẹn hò thông báo cần phải làm nhiệm vụ để xem độ tương thích với nhau đến mức nào. Cô và "bạn trai" được chia đi các nhóm khác nhau. Người nam làm nhiệm vụ trước, liên tục chia sẻ đường đi nước bước khiến Hạnh bị cuốn vào cuộc chơi.

Hai lần nạp tiền từ 100.000 đồng đến một triệu đồng, cô đều nhận lại được tiền và thêm vài chục nghìn tiền thưởng. Đến vòng ba, sau khi chuyển khoản 20 triệu đồng, cô bất ngờ nhận được thông báo trúng hơn 100 triệu đồng.

Lúc này Hạnh được yêu cầu chuyển khoản 70 triệu đồng sẽ nhận lại được tiền của mình cùng phần thưởng. Ai cũng kêu cô may mắn, hối thúc chuyển tiền nhưng Hạnh cho biết không muốn may mắn này, chỉ muốn lấy lại tiền của mình. Mặc cho họ hạ mức đóng cho cô xuống còn 50 triệu đồng, hoặc người "bạn trai" xin đóng bảo lãnh, Hạnh vẫn một mực nói không có tiền.

"Lúc này tôi biết mình bị lừa rồi", người phụ nữ nói.

Anh Phạm Trung, 40 tuổi cũng sập bẫy một công ty hẹn hò có tên y hệt, nhưng trên Telegram. "Chỉ trong khoảng một tiếng, tôi thực hiện 5 lệnh chuyển tiền, tổng cộng mất 90 triệu đồng", anh Trung kể về vụ việc xảy ra hôm 9/7.

Thời gian qua, không ít người phản ánh bị sập bẫy các công ty hẹn hò, mai mối giả. Các đối tượng lừa đảo sử dụng những fanpage với số lượng theo dõi và lượt thích lớn, với nhiều tên gọi khác nhau như Kết nối yêu thương, Hẹn hò tuổi trung niên, Dịch vụ kết đôi Rudicaf. Tất cả nội dung trên đó lấy lại hình ảnh, video của các công ty hẹn hò thật.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, chuyên viên mai mối của dịch vụ hẹn hò Rudicaf ở Hà Nội cho biết trong khoảng ba tháng trở lại đây liên tục nhận được được tin báo bị lừa mai mối của nạn nhân ở nhiều tỉnh thành.

Rudicaf thuộc công ty mai mối lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam, tuy nhiên chỉ hoạt động ở Hà Nội. Đối tượng lừa đảo lấy hình ảnh và những bài báo về Rudicaf, tạo ra các trang web tương tự, chỉ khác tên miền và số hotline. "Một tháng qua có hàng trăm nạn nhân báo bị lừa đảo", Thùy Dung nói.

Đạo diễn Hoàng Lê Na, người sáng lập dịch vụ Hẹn hò tuổi trung niên cho biết đang bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng tên tuổi, hình ảnh dù câu lạc bộ đã dừng hoạt động từ ba năm trước. "Tôi đã thông báo cho các thành viên và báo cáo hành vi lừa đảo của nhóm này trên Facebook, nhưng cứ đóng trang này chúng lại lập trang khác", Lê Na nói.

Sập bẫy công ty hẹn hò giả mạo  第3张

Anh Trung bị nhóm đối tượng giả mạo Rudicaf tiếp cận, giới thiệu cho anh bạn gái và cuối cùng lừa tiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về cơ bản, các bước dẫn dụ nạn nhân vào bẫy gồm: mời chào nạn nhân theo những hình thức như làm khảo sát hẹn hò để nhận tiền, làm khảo sát để đi du lịch cặp đôi, giới thiệu người hẹn hò. Sau khi đã có được lòng tin của nạn nhân, chúng sẽ đưa ra yêu cầu nếu hai người muốn gặp nhau ngoài đời phải làm nhiệm vụ.

Nếu con mồi chuyển tiền, chúng tiếp tục đưa ra yêu cầu chuyển tiếp. Khi họ muốn rút nhưng nhập lệnh rút toàn báo lỗi, kẻ lừa đảo yêu cầu phải chuyển thêm để được rút. Cứ như vậy, số tiền của nạn nhân tăng dần từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Bà Thùy Dung cho biết, người bị lừa thường là các bố, mẹ đơn thân, người trung niên thiếu thốn tình cảm, cần người tâm sự. Vì không có mối quan hệ, thiếu các cơ hội gặp gỡ hay e ngại tìm bạn khác giới ngoài đời thực, những người này dễ bị những đối tượng lừa đảo này dẫn dụ.

Tiến sĩ Philip Hùng Cao, người có 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng cho biết hình thức giả mạo các công ty hẹn hò lừa đảo mới xuất hiện, song nguy hiểm không kém do nhu cầu người độc thân tìm kiếm một nửa rất lớn.

Hiện nay các nhóm đối tượng xấu đang áp dụng AI để thực hiện lừa đảo diện rộng và chúng sẽ ở đằng sau để hiệu chỉnh kịch bản sao cho luôn hấp dẫn và thúc giục được mong muốn gặp mặt, giao lưu của nạn nhân. Các công cụ AI tạo sinh (Generative AI) sẽ hỗ trợ các kịch bản lừa đảo hết sức hiệu quả cho các nhóm lừa đảo.

Theo chuyên gia, không có cách nào tuyệt đối tránh lừa đảo được vì nó muôn hình vạn trạng, nhưng có một số nguyên tắc cơ bản để giúp tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là: không tin tưởng ngay và nên chậm lại một chút để có thời gian kiểm tra xác nhận - tư duy Zero Trust.

Thứ hai, hãy nghĩ rằng những thứ hào nhoáng lung linh ở trên mạng không dành cho mình. Để tìm một nửa kia nên tăng cường giao lưu ngoài đời và tham gia vào các môi trường cộng đồng có liên quan đến các tiêu chí chọn người yêu/ bạn đời mà bạn mong muốn.

"Trong thời đại hiện nay tôi khuyến khích mọi người giao lưu gặp mặt ngoài đời nhiều hơn để không bị 'AI hóa'", chuyên gia an ninh an toàn thông tin nói.

Ngoài ra, người dân nên cập nhật thông tin từ các đơn vị chuyên trách như Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục phòng chống tội phạm mạng công nghệ cao của Bộ Công An và dự án xã hội Chống Lừa Đảo của Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) & cộng sự.

Cả ba nạn nhân cô Thảo, anh Trung, chị Hạnh đều cho biết luôn cảnh giác với các hình thức lừa đảo trên mạng, nhưng lần này họ sập bẫy vì bị đánh vào cảm xúc.

"Nếu tôi không có cảm xúc, sẽ không bị lừa", Hồng Hạnh tự trách và cho biết từ giờ sẽ dành thời gian tìm hiểu người thật việc thật.

"Tôi rất chán với bản thân. Những ngày qua luôn tự dằn vặt sao trong giây phút đó lại mụ mị như vậy", anh Trung buồn nói.

Riêng chị Thảo đã báo công an sở tại. Chị không tiếc số tiền đã mất, chỉ tiếc phần tình cảm đã bỏ ra. "Lừa đảo hẹn hò không chỉ khiến nạn nhân mất tiền, còn lụy tình cảm. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện để mọi người không rơi vào tình huống giống mình", người phụ nữ trung niên nói.

* Tên các nạn nhân đã thay đổi.

Phan Dương