Sở Y tế TP.HCM đã triển khai phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu, với 14 bệnh viện tham gia tra cứu, chia sẻ 37 loại thuốc cấp cứu.
Có 14 bệnh viện tham gia tra cứu, chia sẻ 37 loại thuốc cấp cứu - Ảnh: TIẾN QUỐC
Sở Y tế TP.HCM ngày 20-9 cho biết đã triển khai và thông tin quy trình tra cứu, hỗ trợ thuốc cấp cứu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TP. Đây được xem là giải pháp tăng cường sự phối hợp và tính chủ động ứng phó trong các tình huống cấp cứu người bệnh.
Đồng thời nhằm đảm bảo tối ưu việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn thuốc cấp cứu, nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu cấp cứu và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện thuộc hệ thống y tế TP.HCM.
Quy trình tra cứu, hỗ trợ thuốc cấp cứu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trên ứng dụng có 3 bước:
- Bước 1: Tra cứu tìm thuốc cấp cứu (bác sĩ trực có trách nhiệm thực hiện). Tại bước này, qua thăm khám, chẩn đoán, chỉ định điều trị xác định cần thuốc điều trị cấp cứu đặc hiệu nhưng không sẵn có tại bệnh viện. Bác sĩ trực cần truy cập ngay vào phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu để xác định thuốc cần sử dụng hiện đang có tại bệnh viện nào.
- Bước 2: Liên hệ, đề nghị được hỗ trợ thuốc cấp cứu (lãnh đạo trực bệnh viện có trách nhiệm thực hiện). Theo đó, lãnh đạo bệnh viện sẽ liên hệ trực tiếp với lãnh đạo của bệnh viện hiện có thuốc (liên hệ qua điện thoại) đề nghị được hỗ trợ thuốc cấp cứu cho bệnh viện.
- Bước 3: Tiếp nhận thuốc cấp cứu (nhân viên trực dược, trưởng khoa dược có trách nhiệm thực hiện). Cụ thể, nhân viên trực dược đi nhận thuốc ngay sau khi được sự chấp thuận của trực lãnh đạo bênh viện nơi có thuốc (sử dụng phiếu mượn thuốc) và bàn giao ngay cho khoa lâm sàng có nhu cầu sử dụng thuốc. Sau khi nhận thuốc, khoa dược thực hiện và gửi văn bản mượn thuốc trong vòng 24 giờ.
Phần mềm và quy trình tra cứu có 14 bệnh viện trên địa bàn TP cùng tra cứu và chia sẻ 37 loại thuốc cấp cứu, gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Viện Tim, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Trưng Vương.
Phục vụ công tác cấp cứu người bệnh
Trước đó, tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 15-8, Sở Y tế cho hay có nhiều trường hợp thuốc cấp cứu chưa đáp ứng đủ nhu cầu do thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành, trong khi nhu cầu thường phát sinh đột xuất. Hoặc thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất; thuốc có giá thành rất cao trong khi nhu cầu sử dụng thấp và nguy cơ hủy thuốc cao...
Ứng dụng tra cứu thuốc được vận hành sẽ giúp tăng tính liên kết giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP, đáp ứng nhu cầu sử dụng cấp thiết của các bệnh viện nhằm phục vụ cho công tác cấp cứu người bệnh; cập nhật tình hình tồn kho thuốc cấp cứu tại các bệnh viện để có các biện pháp can thiệp kịp thời...
Đăng thảo luận