TPHCM: Mặt bằng cho thuê nửa tỷ đồng/tháng hạ giá "sập sàn" vẫn ế khách
(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài tại TPHCM đã khiến hàng loạt mặt bằng cho thuê ở khu đất vàng "bất động", không có khách thuê.
Nhiều mặt bằng tại trung tâm TPHCM khó tìm được khách thuê (Ảnh: Đại Việt).
Trong vai người đi thuê mặt bằng ở trung tâm TPHCM, chúng tôi gặp nhân viên môi giới tên Khánh. Nhân viên này cho biết, thời điểm hiện tại, mặt bằng đẹp ở trung tâm thành phố là "bao la".
Khánh đưa chúng tôi đến một căn nhà rộng 100 m2 được xây dựng một trệt, một lầu nằm ngay ngã sáu Phù Đổng (quận 1). "Căn này trước đây có giá thuê lên tới 575 triệu đồng/tháng. Nhưng nay giá đã giảm mạnh, chỉ 506 triệu đồng/tháng. Thậm chí, anh có thể thương lượng được với giá 460 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu tiên", Khánh nói.
Theo Khánh, căn nhà nằm ngay ngã sáu là siêu đẹp và phù hợp với những công ty lớn, tiềm lực tài chính mạnh.
Nếu thuê căn nhà này, người thuê còn hưởng lợi từ việc cho thuê lại mặt ngoài của ngôi nhà để treo bảng quảng cáo. Việc cho thuê mặt ngoài ngôi nhà có thể mang lại nguồn thu lên tới một tỷ đồng/năm.
Sau một thời gian trao đổi, Khánh xác nhận, mặt bằng này đã nhiều tháng không có khách "chốt". Một số người đến coi nhà xong lại "lắc đầu" đi ra.
Mặt bằng nằm ngay ngã sáu Phù Đổng (quận 1) vẫn chưa tìm được khách thuê sau nhiều tháng (Ảnh: Đại Việt).
Cách ngôi nhà nói trên khoảng 300 m, một mặt bằng rộng 80 m2, xây dựng một trệt trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 được chào thuê với giá hơn 80 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Dũng, đại diện chủ nhà cho biết, nếu muốn thuê căn nhà này thì khách sẽ đặt cọc 3 tháng và trả tiền thuê 6 tháng/lần. Hợp đồng thuê tối thiểu là 2 năm.
"Thời chưa có dịch, mặt bằng này mỗi tháng cho thuê hơn 103 triệu đồng. Từ khi có dịch, giá chỉ còn hơn 80 triệu đồng nhưng tìm người thuê rất khó. Khoảng 3 tháng nay, có nhiều người hỏi tôi để thuê nhưng chưa có ai đặt cọc", ông Dũng nói.
Cũng như ông Dũng, bà Trần Thị Loan (quận 1) vẫn chưa thể cho thuê được mặt bằng "siêu đẹp" nằm trên đường Nguyễn Trãi. Đây là khu vực kinh doanh thời trang sầm uất hàng đầu tại TPHCM.
Theo bà Loan, căn nhà rộng 100 m2 được xây dựng một trệt, 2 lầu. Trước đây, căn nhà được dùng để bán quần áo. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến khiến người thuê kinh doanh không có lãi và trả mặt bằng.
"Tôi đang rao giá hơn 142 triệu đồng/tháng. Nếu người thuê thiện chí, tôi sẽ giảm giá nhẹ lấy chút lộc. Trước đây, mặt bằng này cho thuê 172 triệu đồng/tháng là người ta giành giật nhau thuê liền đó", bà Loan chia sẻ.
Cũng theo bà Loan, dù giá đã giảm gần 20% nhưng suốt 2 tháng qua, bà vẫn chưa tìm được người thuê mới.
Dù giá thuê đã giảm khoảng 20 - 30% so với thời điểm chưa có dịch nhưng nhiều mặt bằng vẫn ế khách (Ảnh: Đại Việt).
Theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản tại TPHCM, quy mô thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ nguồn cầu thuê bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà nguồn cung cũng bị ảnh hưởng lớn.
Ông Chánh phân tích, nguồn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch là điều rõ ràng. Tuy nhiên, nguồn cung cũng bị ảnh hưởng do tỷ suất sinh lời trên tài sản thấp khiến nhà đầu tư không còn mặn mà vào việc đầu tư và cho thuê lại. Điều này khiến nguồn cung cũng hạn chế hơn trước.
"Đối với những mặt bằng nhiều tháng vẫn chưa cho thuê được thì chủ nhà không nên đặt nặng chuyện lãi, lỗ trong thời điểm hiện tại, mà quan trọng nhất là dòng tiền", ông Chánh nói.
Ông Chánh ví dụ, một mặt bằng có giá thuê 46 triệu đồng/tháng nhưng 6 tháng chưa cho thuê được thì chủ nhà đã mất 276 triệu đồng. Chính vì vậy, nếu chủ nhà giảm giá 50% từ đầu thì có thể tìm được người thuê ngay và 6 tháng đó có thể kiếm thêm được 138 triệu đồng, thay vì việc không kiếm được đồng nào.
Cũng theo ông Chánh, hiện nay, nhiều chủ mặt bằng đang giảm giá thuê từ 20 - 30% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Tuy nhiên, mức giảm giá này vẫn chưa "chạm" đúng nhu cầu của thị trường.
"Nhiều chủ nhà lo lắng, nếu giảm giá sâu quá thì sẽ khó có thể tăng giá trở lại. Tuy nhiên, việc giảm giá này chỉ xảy ra trong ngắn hạn và hai bên có thể ràng buộc nhau bằng hợp đồng. Người cho thuê và người thuê có thể thương lượng dựa trên tình hình thực tế", ông Chánh nói.
Vị chuyên gia nhận định, trong 10 năm qua, giá nhà tại TPHCM đã tăng không kiểm soát khiến giá thuê cũng tăng "chóng mặt". Người dân đã quen với mức lợi nhuận "khủng" từ việc cho thuê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ.
Người cho thuê cần chấp nhận một thực tế là giá thuê phải phù hợp với nhu cầu thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu thị trường bị ảnh hưởng nặng nề do kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn tài chính của người thuê buộc phải thắt chặt.
Đăng thảo luận