Singapore là quốc gia giàu nhất châu Á, thậm chí giàu hơn Mỹ, Anh, Pháp tính theo đầu người. Thử thách của người sắp làm Thủ tướng Singapore, ông Hoàng Tuần Tài là phải duy trì điều đó trong vai trò thủ tướng.
Singapore là điển hình của một quốc gia nhỏ bé vẫn có thể phát triển vượt bậc dù không có nhiều tài nguyên thiên nhiên - Ảnh: AFP
Trở thành trung tâm tài chính nằm ngay giao lộ thương mại toàn cầu, Singapore trong một khoảng thời gian tương đối ngắn (xét về mặt lịch sử) đã chuyển mình từ một thương cảng thuộc địa thành quốc gia thịnh vượng bậc nhất.
Thủ tướng sắp nhậm chức Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong), người sẽ thay thủ tướng lão luyện Lý Hiển Long vào ngày 15-5, có nhiệm vụ phải đảm bảo duy trì vị thế đỉnh cao đó.
Giàu có bậc nhất
Dù nhỏ hơn thành phố New York của Mỹ nhưng Singapore không thua kém ai khi nói đến... tiền.
Chỉ sau 6 thập kỷ giành độc lập, Singapore hiện là quốc gia giàu có nhất châu Á, là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Hòn đảo nhỏ bé này chuyển từ sản xuất thành gã khổng lồ dịch vụ tài chính và bây giờ là du lịch và công nghệ.
Thách thức lớn với đảng cầm quyền SingaporeĐỌC NGAY
Trong quá trình này, Singapore đã cố gắng tăng GDP bình quân đầu người vượt xa Anh, Pháp, thậm chí cả Mỹ.
Khi giành được độc lập vào năm 1965, nước này nghèo hơn cả Nam Phi hay Jordan. Nhưng hiện nay, GDP bình quân đầu người của Singapore vào khoảng 88.000 USD, tăng gấp đôi trong 20 năm qua, theo tờ Economist.
Đảo quốc Đông Nam Á là tấm gương điển hình của một nước nhỏ bé có thể phát triển thần tốc dù hạn chế về tài nguyên thiên nhiên.
Một phần để Singapore thành công trở thành một trung tâm tài chính là nhờ việc quản lý hiệu quả và mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp.
Gần đây hơn, Chính phủ Singapore đã tìm cách thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa bằng cách thu hút những người giàu, và đương nhiên cả tài sản của họ, bằng các sòng bạc, khách sạn sang trọng và cuộc sống về đêm đầy quyến rũ.
Thách thức duy trì vị thế đỉnh cao
Ông Lý Hiển Long sắp chuyển giao quyền lực cho ông Hoàng Tuần Tài - Ảnh: REUTERS
Nhưng khi một thủ tướng mới lên nắm quyền lần đầu tiên sau 20 năm, những thách thức cũng trỗi dậy. Việc ở lại trên đỉnh cao còn khó hơn việc lên đến đỉnh và câu hỏi bây giờ là làm thế nào Singapore duy trì được chuỗi chiến thắng này?
"Việc chuyển đổi lãnh đạo hiện nay có chút rủi ro, không chỉ vì đội ngũ mới có thể bị thúc ép giải quyết nhanh chóng các thách thức kinh tế, chẳng hạn tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc gây hạn chế cho khu vực rộng lớn hơn, và Singapore có thể bị kéo vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị và thậm chí xung đột" - bà Meredith Weiss, giáo sư khoa học chính trị Đại học Bang New York (Mỹ), nhận định với tờ Nikkei Asia.
Singapore đắt đỏ, nhiều công ty nước ngoài chuyển tới Thái Lan, MalaysiaĐỌC NGAY
Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, bất bình đẳng thu nhập, tỉ lệ sinh giảm ngày càng trở thành những vấn đề khó nhằn. Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng lên khi dân số già đi, dự kiến chiếm 13,7 tỉ USD trong ngân sách cho năm tài chính 2024, tăng 2,6 lần trong thập kỷ qua.
Trên thế giới, khả năng cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền trở lại cùng chính sách "Nước Mỹ trên hết" có thể gây ra những bất ổn thương mại.
"Sự phân mảnh ngày càng tăng của các khối thương mại có thể làm giảm thương mại toàn cầu hoặc tăng chi phí hậu cần, điều này rõ ràng là tiêu cực đối với Singapore", nhà phân tích Wei Wei Tan nói.
Trong khi đó, đảo quốc này đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nước láng giềng đều đang muốn trở thành trung tâm khu vực. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đặt trụ sở khu vực Đông Nam Á bên ngoài Singapore để tiết kiệm tiền và tìm các cơ hội mở rộng.
"Các chuẩn mực đã được thiết lập đang bị xói mòn. Mọi người đang tìm kiếm bánh răng mới, nhưng trật tự mới vẫn chưa được thiết lập. Tôi nghĩ nó sẽ hỗn loạn trong vài năm, có thể là một thập kỷ hoặc lâu hơn", ông Hoàng Tuần Tài nói vào đầu tháng 5-2024.
Tân thủ tướng Singapore sẽ làm gì?
Đối với Singapore, việc duy trì phong độ đỉnh cao còn khó khơn việc lên đến đỉnh - Ảnh: AFP
Khi lên nắm quyền, ông Hoàng Tuần Tài dự kiến tiếp tục cách tiếp cận của những người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Singapore trong vai trò một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực. Đồng thời tăng cường các chương trình hỗ trợ xã hội để giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng.
Trong bài phát biểu về ngân sách tháng 2-2024, thủ tướng tương lai Singapore cho biết chính quyền sẽ đầu tư hơn 8 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển, cũng như trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực tài chính và năng lượng sạch.
"Chúng ta sẽ phát triển nền kinh tế. Chúng ta phải phát triển. Vì tăng trưởng là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm tốt hơn và nâng cao mức sống cho tất cả mọi người", ông nói.
Giới quan sát cũng theo dõi mức độ ủng hộ mà Singapore dành cho người chỉ huy mới trong bối cảnh xã hội Singapore đã có nhiều thay đổi sau 20 năm với thế hệ trẻ có những ưu tiên sống khác với thế hệ trước đó.
"Thách thức đối với ông Hoàng là đưa ra định hướng và chứng minh rằng đội ngũ của ông ấy thực sự được làm mới chứ không chỉ đơn giản là như cũ" - phó giáo sư khoa học chính trị Ja Ian Chong, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Đăng thảo luận