TTO - Chừng ba năm nữa, thủ đô của Tây Ban Nha hứa hẹn sẽ trở thành TP châu Âu đầu tiên cấm mọi loại xe hơi cá nhân đi vào khu vực trung tâm, sau các tuyên bố mới nhất của thị trưởng nổi tiếng thẳng thắn và quyết đoán, bà Manuela Carmena.

Người dân đi bộ tại công viên Retiro ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters

Phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia Cadena Ser, thị trưởng Madrid Carmena tuyên bố cho tới lúc bà mãn nhiệm (tháng 5-2019), mọi loại xe hơi cá nhân sẽ bị cấm hoạt động tại trung tâm TP Madrid. Người dân địa phương sẽ phải di chuyển bằng xe đạp, xe buýt và taxi.

Lệnh cấm xe hơi cá nhân của bà thị trưởng là động thái nhằm phản ứng trực tiếp với tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng tại đây.

Vùng đi bộ

Bà Carmena vẫn chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể để bà cũng như các hội đồng viên TP thực hiện việc cấm toàn bộ xe hơi cá nhân. Tuy nhiên, theo những phát biểu của bà với đài phát thanh quốc gia, kế hoạch này liên quan tới việc khoanh vùng toàn bộ khu vực trung tâm TP Madrid, tạo ra một vùng được mô tả như là “hầu hết chỉ toàn người đi bộ”.

Tại đó chỉ người đi bộ và các phương tiện vận tải có lượng phát thải khí gây ô nhiễm thấp mới được phép hoạt động.

Nếu giành được sự ủng hộ của 3,2 triệu dân trong TP, quyết định cấm xe hơi của bà Carmena sẽ đưa Madrid trở thành TP lớn đầu tiên tại châu Âu không có xe hơi.

Thị trưởng TP Madrid từng có nhiều biện pháp thử nghiệm để kiểm soát chuyện đi lại bằng xe hơi tại TP này. Mới đây, bà Carmena từng áp dụng lệnh cấm đỗ xe hoàn toàn trong TP, thực hiện việc cấm xe luân phiên theo biển số chẵn lẻ và quy định giới hạn tốc độ tối đa 70km/h trên các tuyến xa lộ chính của Madrid.

Gran Via của Madrid là đại lộ được xây dựng từ năm 1910 với sáu làn xe chạy. Kế hoạch cấm xe hơi cá nhân trên tuyến đại lộ sầm uất chạy xuyên qua trung tâm TP Madrid này rõ ràng là một quyết định khó khăn và nhiều tham vọng của bà thị trưởng Carmena.

Tháng 12 năm ngoái, vào đúng thời điểm mua sắm sôi động nhất trong năm, chính bà Carmena đã quyết định phê chuẩn lệnh cấm ôtô khẩn cấp trong chín ngày liên tiếp dọc theo đại lộ Gran Via.

Lệnh cấm này đã làm dấy lên sự chỉ trích gay gắt từ lực lượng đối lập với bà thị trưởng.

Các đối thủ và thủ lĩnh đảng cánh hữu, bà Esperanza Aguirre, thậm chí còn đe dọa sẽ khởi kiện bà Carmena vì cho rằng lệnh cấm xe đó đã ảnh hưởng tới hoạt động làm ăn của các hộ kinh doanh dọc theo đại lộ Gran Via khi những khách hàng đi ôtô không thể vào đây mua sắm.

Tuy nhiên những cáo buộc đó đã bị bà Carmena bác bỏ với lập luận quyết đoán từ số liệu thực tế cho thấy bất kể lệnh cấm xe hơi trong chín ngày, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chín ngày đó vẫn tăng hơn 15% so với chín ngày cùng kỳ năm ngoái.

Đó là chưa kể ở Tây Ban Nha cũng đã có một minh chứng thành công khác về cách thay đổi để “nói không” với xe hơi. Theo đó tại một tuyến đường khác, cũng tên là Gran Via nhưng của TP Bilbao, vỉa hè đã được mở rộng ra, tràn cả xuống lòng đường, chỉ để hai làn cho xe buýt, taxi và xe chở hàng hoạt động.

Không chỉ Madrid

Cũng giống như nhiều TP lớn khác của châu Âu, Madrid đang chật vật tìm giải pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí.

Việc cấm xe hơi cá nhân tại đại lộ chính Gran Via của Madrid là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Madrid là cấm toàn bộ các loại xe ôtô chạy dầu diesel hoạt động tại đây vào năm 2025 theo cam kết cùng ba TP lớn khác là Mexico City, Paris và Athens.

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đang xây dựng một đường siêu xa lộ dành cho xe đạp tỏa ra từ trung tâm TP. Tuyến đường này sẽ đưa vào sử dụng năm 2019, giúp các cư dân vùng ngoại ô có thể đạp xe khoảng một giờ là vào được trung tâm TP làm việc.

Trong khi đó các TP như Oslo, Humburg, Paris, Mexico City cũng đang xúc tiến triển khai các lệnh cấm xe tương tự, mặc dù quy mô triển khai có thể không giống như Madrid.

Trong khi đó, cũng trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí, từ năm 2018 thủ đô Paris của Pháp sẽ bắt đầu cho hoạt động tuyến xe buýt dọc sông Seine để thúc đẩy giao thông công cộng.

Hồi tháng 9-2016, Paris cũng đã biến một phần đường bờ bên phải sông Seine thành khu vực đi bộ bất chấp sự phản đối của giới tài xế.

Lãnh đạo TP cho biết chương trình chia sẻ xe đạp Velib hay xe điện Autolib đã giúp Paris giảm 30% xe hơi cá nhân trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, phó thị trưởng phụ trách giao thông Christophe Najdovski cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm bởi Paris vẫn đi sau nhiều TP như Bordeaux hay Lyon vốn đã cấm xe chạy dầu diesel vào trung tâm.

Năm của xe đạp

Thủ đô Paris của Pháp sẽ mạnh tay với giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trong năm nay với việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho người đạp xe và cấm xe hơi quanh bảo tàng danh tiếng Louvre.

Thị trưởng TP Paris, bà Anne Hidalgo, mới đây tuyên bố sẽ lập một tuyến đường hai chiều dài 4km dành cho xe đạp dọc theo con đường nổi tiếng nhất TP Rue de Rivoli và nối hai quảng trường Place de la Concorde với Place de la Bastille.

Bà cũng sẽ thúc đẩy kế hoạch tăng gấp đôi số làn đường dành cho người đạp xe từ nay đến năm 2020.

“Khí hậu là ưu tiên số 1 của chúng tôi. Ít xe hơi sẽ ít ô nhiễm hơn. Năm 2017 sẽ là năm của xe đạp” - Reuters dẫn lời bà Hidalgo giải thích.

Như vậy Rue de Rivoli, con đường nối nhiều địa điểm như Bảo tàng Louvre, Palais Roya, Marais, sẽ trở thành một khu vực để đi bộ, đạp xe, mua sắm trong khi số xe hơi được giảm bớt.

Ngoài ra, TP cũng sẽ cấm xe hơi cá nhân ở quảng trường Place du Carrousel du Louvre trước Bảo tàng Louvre, nơi có hơn 9 triệu khách tham quan mỗi năm.

TRẦN PHƯƠNG