Theo đài RT, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại TP. Kazan hôm 23/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, sàn giao dịch ngũ cốc BRICS sẽ giúp giữ ổn định thị trường lương thực, tránh những biến động lớn về giá trong tương lai.
"Một số quốc gia thành viên BRICS nằm trong nhóm những nước sản xuất ngũ cốc, rau và hạt có dầu lớn nhất thế giới. Chúng tôi đề xuất mở một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS. Trung tâm giao dịch này sẽ góp phần hình thành các chỉ số giá công bằng, giữ ổn định giá các sản phẩm và nguyên liệu thô nhằm đảm bảo an ninh lương thực” - Tổng thống Putin tuyên bố.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho rằng sáng kiến này sẽ giúp bảo vệ thị trường các nước thành viên BRICS khỏi sự can thiệp tiêu cực từ bên ngoài, đầu cơ và tình trạng thiếu hụt lương thực giả.
Theo nhà lãnh đạo Nga, sàn giao dịch ngũ cốc BRICS sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và trong tương lai, nền tảng này có thể được mở rộng sang giao dịch các mặt hàng quan trọng khác như dầu mỏ, khí đốt và kim loại.
Ý tưởng thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS lần đầu tiên được người đứng đầu Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc Nga, ông Eduard Zernin, nêu ra trong cuộc họp với Tổng thống Nga Putin vào đầu năm nay.
Thời điểm đó, Tổng thống Putin đã ủng hộ sáng kiến này và bày tỏ sự tin tưởng rằng nhiều quốc gia thành viên sẽ quan tâm đến việc thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS.
Nền tảng này cũng sẽ cho phép các nước trong nhóm giao dịch ngũ cốc trực tiếp và giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định giá do phương Tây kiểm soát tại các sàn giao dịch quốc tế như Chicago và Paris.
Nga hiện là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Moscow vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ngũ cốc trong những năm gần đây bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm ngăn chặn hoạt động thương mại xuyên biên giới của nước này.
Moscow cũng đã cung cấp ngũ cốc miễn phí cho một số quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan, Tổng thống Putin đã đề xuất một nền tảng đầu tư BRICS để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên và sự phát triển của Nam và Đông Bán cầu.
Theo ông Putin, các nước đối tác sẽ được hưởng lợi từ việc tăng đáng kể đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục, thương mại và hậu cần, để giúp nền kinh tế của họ phát huy hết tiềm năng tăng trưởng.
Theo Tổng thống Nga, nền tảng này “sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ hỗ trợ nền kinh tế quốc gia của chúng ta, cũng như cung cấp nguồn lực tài chính cho các quốc gia ở Nam và Đông Bán cầu” .
Nam Bán Cầu là tên gọi chung của các quốc gia chủ yếu nằm ở Nam Bán Cầu, chủ yếu ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, được coi là có mức độ phát triển kinh tế và công nghiệp tương đối thấp.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ủng hộ việc thành lập một hệ thống thanh toán xuyên biên giới chung, giúp các nước BRICS giao dịch với nhau, bỏ qua hệ thống tài chính toàn cầu với USD là đồng tiền chi phối.
Theo hãng tin Reuters, trong bài phát biểu qua video ngày 23/10, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định, hiện là thời điểm để các nước BRICS phát triển các phương thức thanh toán mới giữa các nước thành viên, đồng thời cho rằng Ngân hàng Phát triển mới của BRICS được thiết lập như một giải pháp thay thế cho các thể chế tài chính quốc tế đang gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi phải đổi mới hệ thống tài chính giữa các thành viên BRICS để không còn phụ thuộc vào các tổ chức tài chính truyền thống.
BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2010. Hồi đầu năm nay, 4 quốc gia nữa chính thức gia nhập khối gồm: Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ả Rập Saudi - quốc gia được mời trở thành thành viên, cũng tham gia các sự kiện BRICS lần này nhưng chưa hoàn tất quá trình phê chuẩn để trở thành thành viên.
Năm nay, Nga giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS. Theo ước tính của các tổ chức tài chính toàn cầu, các nước thành viên BRICS hiện chiếm khoảng 46% dân số thế giới và hơn 36% GDP toàn cầu.
Đăng thảo luận