Với các vụ án kinh tế, tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng cần xử lý nghiêm kẻ chủ mưu và khoan hồng với người biết ăn năn, tích cực khắc phục hậu quả.

Thông tin được nêu trong báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, khi nhắc về công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương này, ngành kiểm sát đã ban hành "Sổ tay Kiểm sát viên" liên quan khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan đến chức vụ. VKSND Tối cao đã tham mưu xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng với người biết ăn năn, hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành kiểm sát trong năm qua là tiếp tục "chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm". Để làm được việc này, Viện trưởng Tiến đã yêu cầu toàn kiểm sát ngành tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Hoạt động công tố phải gắn với điều tra ngay từ giai đoạn thụ lý giải quyết tố giác, tin báo và khởi tố.

"Khi không rõ dấu hiệu của tội phạm hình sự thì thống nhất không thụ lý nguồn tin về tội phạm. Cẩn trọng không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại", báo cáo thể hiện.

Cùng với đó, Viện trưởng Tiến cho rằng cần chú trọng nguyên tắc "suy đoán vô tội", "trọng chứng hơn trọng cung" và chuyển hóa chứng cứ kịp thời bảo đảm việc chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự.

Quan điểm "không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế" từng được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần tại các hội nghị về kinh tế.

Làm việc với VKSND Tối cao sáng 13/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã đề nghị VKS cần chú trọng cả hai mặt là không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại. Việc này sẽ tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.

VKSND Tối cao: Cần xử lý nghiêm chủ mưu trong án kinh tế  第1张

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu". Ảnh: Ngọc Thành

Trong năm 2024, Viện kiểm sát các cấp đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 961 vụ án (tăng 21,6%), yêu cầu hủy bỏ 20 quyết định khởi tố vụ án (tăng 66,7%) do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật. Hơn 1.900 kiến nghị của viện kiểm sát cũng được ban hành để yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, toàn ngành kiểm sát còn không phê chuẩn 120 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (tăng 18,8%); hủy 494 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam 53 bị can theo đúng quy định...

Trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát các cấp đã trả 2.679 hồ sơ cho cơ quan điều tra, chiếm 2,9% về số vụ; tòa án trả 1.597 hồ sơ cho viện kiểm sát, chiếm 1,8%.

Theo Viện trưởng Tiến, số lượng các vụ án, vụ việc tăng nhanh so với trước đây, tính chất phức tạp hơn. Trung bình mỗi năm tội phạm hình sự tăng khoảng 10%; hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10-12%, có năm tăng 15%/năm.

Trong khi đó ngành kiểm sát thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới, khối lượng công việc tăng lên nhiều. Bởi thế ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, kiểm sát viên các cấp. Đây là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ song trong 10 năm (2011-2022) biên chế của ngành kiểm sát không tăng.

Do đó, Viện trưởng VKNSD Tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh kiểm sát viên các ngạch.

Phạm Dự