Viêm tuyến mồ hôi nung mủ (HS) là tình trạng viêm da, có thể xảy ra do kết hợp yếu tố di truyền, môi trường và hành vi, ảnh hưởng thai kỳ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

Nguyên nhân

Không có nguyên nhân nào được biết đến đối với HS, nhưng nó có thể xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và hành vi. Các yếu tố rủi ro đối với HS bao gồm:

- Tiền căn gia đình có người bị HS.

- Béo phì.

- Mắc hội chứng chuyển hóa.

- Hút thuốc.

- Là nữ, có thể do nội tiết tố ảnh hưởng đến HS.

- Ở giữa tuổi dậy thì và 40 tuổi.

- Là người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha hoặc hai chủng tộc.

- Mắc bệnh vảy nến.

Có thể mang thai khi bị viêm tuyến mồ hôi nung mủ?

- Có thể mang thai nhưng HS có thể ảnh hưởng đến các yếu tố liên quan đến khả năng sinh sản.

- Theo một nghiên cứu năm 2021, tỷ lệ sinh sản ở những người mắc HS thấp hơn so với những người không mắc HS.

- Tác động của HS có thể thay đổi cảm nhận của một người về việc mang thai, chẳng hạn như:

  • Giảm chất lượng cuộc sống của họ do các triệu chứng HS.
  • Tác động tiêu cực đến chức năng tình dục do HS.
  • Hạ thấp lòng tự trọng hoặc hình ảnh cơ thể.
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng và trầm cảm.
  • Mắc các bệnh cùng tồn tại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ sinh, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc hội chứng buồng trứng đa nang.

- Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn Địa Trung Hải và tập thể dục thường xuyên, có thể giúp cải thiện tỷ lệ sinh sản ở những người mắc bệnh HS.

- Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn TNF, cũng có thể giúp điều trị vô sinh ở những người bị HS.

Yếu tố tác động tiêu cực đến kết quả mang thai

- Viêm tuyến mồ hôi nung mủ liên kết với nhiều tình trạng cùng tồn tại, có thể tác động tiêu cực đến kết quả mang thai, bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì trước khi mang thai.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Huyết áp cao.
  • Bệnh tuyến giáp.
  • Rối loạn sử dụng rượu.
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

- Sự thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng của HS ở một số người và đôi khi, mọi người có thể nhận thấy các triệu chứng của HS được cải thiện khi mang thai.

- Một số nghiên cứu cho thấy các triệu chứng HS của một số người có thể trầm trọng hơn khi mang thai, trong khi những người khác có thể nhận thấy không có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

Biến chứng khi mang thai do HS

Theo một nghiên cứu năm 2022, viêm tuyến mồ hôi nung mủ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai, bao gồm:

- Sảy thai:

  • Một nghiên cứu năm 2022 đã so sánh 1.862 trường hợp mang thai ở những người mắc HS với 64.218 trường hợp mang thai ở những người không mắc HS.
  • Nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai ở những người mắc HS tăng 37% so với những người không mắc HS. Nguy cơ sảy thai ở người mắc HS là 15,5%, so với 11,3% ở người không mắc HS.

- Sinh non.

- Tiểu đường thai kỳ.

- Tăng huyết áp khi mang thai.

- Tiền sản giật.

- Cần mổ lấy thai.

Quản lý HS khi mang thai

- Tránh hút thuốc, vì điều này có thể làm cho các triệu chứng HS trở nên tồi tệ hơn và cũng có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

- Chế độ ăn uống lành mạnh.

- Duy trì cân nặng vừa phải, vì béo phì hoặc thừa cân có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng HS.

- Tắm với một lượng nhỏ thuốc tẩy clo, tương tự như clo trong bể bơi, để giúp kiểm soát mùi hôi từ vết loét.

- Dán băng vết thương lên vết loét HS để giúp ngăn ngừa vết bẩn trên quần áo hoặc khăn trải giường.

- Thực hiện các bước để hỗ trợ sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như tham gia nhóm hỗ trợ hoặc nói chuyện với nhân viên tư vấn.

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ

Người mắc HS dự định mang thai trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị nào an toàn trong thai kỳ và các bước giúp giảm thiểu mọi rủi ro tiềm ẩn.

Điều trị HS ở phụ nữ mang thai

Các phương pháp điều trị HS sau đây phù hợp với những người đang mang thai và cho con bú:

- Dùng thuốc:

  • Kháng sinh tại chỗ, bao gồm clindamycin, erythromycin và metronidazole.
  • Kháng sinh đường uống như clindamycin, rifampin, dapsone, kháng sinh đường uống kết hợp. Rifampin có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy điều quan trọng là mọi người phải nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào khác đang dùng trước khi bắt đầu điều trị.
  • Metformin, thuốc trị tiểu đường đường uống.
  • Thuốc sinh học, bao gồm adalimumab và infliximab, an toàn khi mang thai và cho con bú, mặc dù bác sĩ có thể đề nghị ngừng dùng thuốc trong tam cá nguyệt thứ ba để tránh truyền kháng thể sang thai nhi.
  • Acetaminophen giúp kiểm soát cơn đau.
  • Tránh dùng aspirin, ibuprofen và naproxen khi mang thai vì chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Tuy nhiên, có thể dùng ibuprofen sau khi sinh khi cho con bú.
  • Tránh dùng thuốc giảm đau theo toa khi mang thai, mặc dù tramadol an toàn khi cho con bú.

- Ở những người mắc bệnh nặng, có thể cần phải phẫu thuật để điều trị các triệu chứng HS. Các bác sĩ không tư vấn phẫu thuật khi mang thai. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ là an toàn khi mang thai và loại bỏ phần da bị ảnh hưởng nếu các triệu chứng nghiêm trọng.

- Điều trị nitơ lạnh là quy trình sử dụng nitơ lỏng để đóng băng các đường hầm trên da có thể hình thành do HS.

Mỹ Ý