Vì sao bão Yagi liên tục có gió giật mạnh, nhiều giờ không giảm cấp?

(Dân trí) - Lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phân tích hệ thống mây của bão Yagi rất đối xứng và có tính chất bao trùm nên duy trì được năng lượng khi càn quét đất liền.

Chiều 7/9, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió cấp 12-13, giật cấp 16.

Sau gần 3 giờ đổ bộ vào đất liền bão Yagi vẫn giữ cường độ lớn, gió giật mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Lý giải về việc bão Yagi liên tục có gió giật mạnh lên đến cấp 15-16 khi đổ bộ đất liền, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định hoàn lưu bão số 3 tương đối rộng và có tính chất tiếp cận đối xứng.

Bên cạnh đó, trước khi bão Yagi vào đất liền khu vực Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng và nhiều hơi ẩm là những điều kiện thuận lợi để bão liên tục có gió giật mạnh.

"Trong bối cảnh nóng ẩm, dòng gió hoàn lưu xoáy của bão Yagi gặp vật cản đã tạo ra dòng gió thứ cấp hút gió và tạo ra hiện tượng gió giật rất mạnh", ông Khiêm lý giải và nêu trong thực tế, tại trạm quan trắc ở Hà Đông (Hà Nội) có gió mạnh cấp 4-5 nhưng gió giật lên đến cấp 8-9. 

Gió giật chính là yếu tố gây ra rất nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong các cơn bão áp thấp nhiệt đới đều có hiện tượng gió giật nhưng không nhiều và mạnh như bão Yagi.

Vì sao bão Yagi liên tục có gió giật mạnh, nhiều giờ không giảm cấp?  第1张

Nhân viên Ban quản lý khu nhà ở HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cấp tập bê bao cát, sử dụng bàn ghế… để chặn cửa tầng hầm (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trước việc bão số 3 sau khi đổ bộ đất liền một thời gian dài vẫn giữ gió cấp 11-13, ông Khiêm phân tích qua theo dõi mây vệ tinh, từ sáng 7/9, hệ thống mây của bão Yagi rất đối xứng và có tính chất bao trùm trên khu vực rộng của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Với tính chất mây như vậy sẽ giúp cơn bão hội tụ, duy trì được năng lượng khi càn quét đất liền.

Do đó, việc bão Yagi giảm cấp nhanh là rất khó, phải cần một thời gian nhất định khi tác động với địa hình và đi sâu vào đất liền để tiêu tán năng lượng.

Ngoài ra, trước khi bão Yagi đổ bộ miền Bắc đã trải qua những ngày nắng nóng và đây là điều kiện để giúp bão có nguồn năng lượng duy trì được sự hoạt động mạnh, giảm chậm về cường độ.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết thêm sau khi gió bão kết thúc, tác động về lũ quét và sạt lở đất vẫn còn.

Theo dự báo bão số 3 sẽ gây ra mưa lớn diện rộng dẫn đến lũ quét, sạt lở đất nên người dân cần đề phòng.

"Hệ thống hoàn lưu của cơn bão rất rộng, các điểm mây bao trùm không chỉ ở Bắc Bộ mà còn lan rộng ra Bắc Trung Bộ.

Trong hệ thống mây dông lớn có thể xuất hiện ổ mây đối lưu và tạo ra hiện tượng mưa dông, gió giật mạnh, gió xoáy tác động đến mọi hoạt động ngoài trời.

Do đó, người dân hết sức lưu ý các tác động mà bão Yagi gây ra", ông Khiêm khuyến cáo và cảnh báo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình vẫn phải đề phòng hiện tượng sóng dâng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến 17h ngày 7/9, bão Yagi đã khiến 4 người tử vong (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).

Về tàu thuyền, bão Yagi đã khiến 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 1 tàu vận tải bị đứt neo trôi dạt.

Bên cạnh đó, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.

Hiện nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.