YênBái - Lũ dữ đi qua, cả cánh đồng dong riềng xanh tốt ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên phủ một màu u ám với bùn đất nứt nẻ, cây lá chết khô. Vượt lên khó khăn, người dân đã tích cực vệ sinh đồng ruộng, kênh mương, đào hố, xuống hạt trồng ngô đông, từng bước đưa màu xanh trở lại trên các thửa ruộng.

Xanh lại đất Quy Mông  第1张 Người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên trồng ngô đông thay thế trên những diện tích dong riềng bị chết do mưa lũ.

Những ngày qua, ông Bùi Văn Minh ở thôn Thịnh An, xã Quy Mông cần mẫn dùng chiếc dao nhỏ đào đất để gieo từng hạt ngô giống trên thửa ruộng bị bùn đất phù sa bồi kín. Ông Minh giãi bày: "8 sào dong riềng của gia đình tôi đã bị ngập úng trong nước lũ sông Hồng, bùn phù sa vùi sâu 60 cm, sau khi nước rút thì đất phẳng lì. Nếu không có trận lụt lớn vừa qua, diện tích này sẽ cho thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nay thì mất trắng cả rồi. Tôi nghĩ, cứ tiếc nuối mãi cũng chẳng để làm gì nên tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình gieo vài cân ngô đông mà lấy lương thực chăn nuôi gia cầm, lấy cây làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò trong mùa đông giá rét sắp đến”. 
Hoàn cảnh giống như nhà ông Minh, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn ở cùng thôn Thịnh An có gần 3 mẫu dong riềng bị thiệt hại do bão lũ. Nhà ông hiện chỉ còn sót lại khoảng 2 sào dong trồng ở ven đồi bị nước lũ ngập tráng qua. "Sau khi nước rút, gia đình tôi đã khẩn trương đào rãnh khơi thông và xới đất giữa các luống để dong riềng không bị chết úng, cố gắng cứu vãn diện tích còn lại để có củ giống trồng vào vụ xuân tới. Đối với diện tích dong riềng bị chết trắng ven sông, sau khi được Nhà nước hỗ trợ ngô giống, nhà tôi đã tập trung nhân lực nhanh chóng đào hố, gieo hạt cho kịp thời vụ” - ông Toàn cho biết thêm.

>> Đồng ruộng Trấn Yên hồi xanh sau lũ


Để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay sau khi nước lũ rút, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con khẩn trương cải tạo đất để trồng ngô, rau màu gối vụ đối với diện tích dong riềng không thể phục hồi. Nhiều vật tư nông nghiệp như hạt giống ngô, rau màu, phân bón… được ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp hỗ trợ, địa phương tiếp nhận và phân bổ cho người dân để tái sản xuất kịp thời vụ. 
Ông Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: "Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày qua, ngay từ sáng sớm, hàng trăm hộ dân đã đồng loạt ra đồng, đào rãnh, cuốc hố để gieo hạt giống ngô. Đến nay, 100% diện tích dong riềng bị thiệt hại do mưa lũ đã được bà con trồng thay thế bằng các giống ngô đông”. 
Màu xanh của cây ngô đông đang dần phủ xanh các đồng đất, thay thế cho cây lúa, dong riềng, hoa màu bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Cùng với tập trung chăm sóc các cây trồng vụ đông, ngành nông nghiệp và chính quyền xã Quy Mông tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng của diện tích dong riềng còn lại đồng thời tạo nguồn giống để khôi phục, trồng lại vào đầu năm sau. 
Theo thống kê, toàn xã Quy Mông có trên 400 hộ dân trồng dong riềng với hơn 70 ha, tập trung ở 4 thôn là Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng, Thịnh Lợi. Bình quân mỗi năm, sản lượng dong riềng cho thu hoạch khoảng 5.000 tấn củ, giá trị thu nhập đạt trên 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, đợt mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra đã làm mất trắng 57 ha, chiếm hơn 80% diện tích, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của hàng trăm hộ dân, nhiều xưởng chế biến tinh bột và 2 hợp tác xã sản xuất miến với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.
Hùng Cường

Tags Quy Mông Trấn Yên