YênBái - Sau 1 tháng sau siêu bão Yagi qua đi và thủy điện Thác Bà xả lũ, huyện Yên Bình đang dần trở lại nhịp sống bình thường. Đứng lên từ hoang tàn, đổ nát bởi sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, cấp ủy, chính quyền đã và đang cấp bách thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giúp người dân tái thiết cuộc sống.
Những cây bưởi bị ngập lũ được "cứu" kịp thời nay đã bật lộc đẹp, mang lại niềm hy vọng cho người dân vùng bưởi Đại Minh.
>> Yên Bình tập trung vệ sinh môi trường sau lũ
>> Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc làm việc với huyện Yên Bình về công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3
Đã tròn một tháng ngôi nhà sàn hai vợ chồng anh Lý Văn Hùng - thôn Khe Mạ, xã Tân Hương cố gắng chắt chiu, dành dụm bao năm mới có được đã bị chôn vùi trong đất đá. Sau khi lũ đi qua, gia đình anh đã được hỗ trợ tiền, các đồ dùng thiết yếu từ tỉnh, huyện, các nhà hảo tâm... Đặc biệt, chính quyền địa phương đã nhanh chóng tìm và bố trí quỹ đất để gia đình anh chị và nhiều hộ khác xây dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
Anh Hùng bộc bạch: "Sau khi nhà bị sập, gia đình tôi được chính quyền địa phương bố trí đất và hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng để làm nhà. Sẽ còn rất nhiều khó khăn trước mắt song còn người là còn của, cùng sự giúp đỡ, đồng hành của các cấp chính quyền, gia đình tôi sẽ nỗ lực để sớm an cư, ổn định lại cuộc sống”.
Ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn xã Tân Hương có 284 điểm, hộ gia đình bị sạt lở đất, trong đó có 15 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 10 ngôi nhà bị hư hỏng nặng không thể khắc phục, 30 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp do xung quanh sạt lở, sụt lún. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và huyện trong việc bố trí nhà ở, đất ở cho người dân, đến nay có 24 hộ đã có đất để xây dựng nhà, 3 hộ đã khởi công xây dựng nhà ở, những nhà bị thiệt hại nhẹ cơ bản đã khắc phục xong.
Ông Tạ Minh Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hương thông tin: "Đối với nhà bị sập đổ hoàn toàn, chúng tôi đã bố trí được 13/15 hộ gia đình có đất để khôi phục và xây dựng lại nhà ở. Trong đó, 3 hộ đã khởi công xây dựng nhà ở, các nhà còn lại dự kiến sẽ khởi công trong tháng 10/2024.
Các hộ nằm trong diện bị hư hỏng nặng, xã đang tập trung quyết liệt trong việc dọn dẹp xung quanh để các hộ tập trung sửa chữa nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Còn đối với 30 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp, xã đã bố trí được đất làm nhà cho 11 hộ , các hộ đang tiến hành san tạo mặt bằng.
Với 19 hộ còn lại chưa bố trí được đất, xã đang phối hợp với thôn, với gia đình tìm đất để các hộ có thể mua bán, trao đổi, bố trí được chỗ ở. Với những hộ không có đất, không tìm được vị trí, xã đã xây dựng phương án, báo cáo UBND huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí khu tái định cư tại thôn Khuôn Giỏ để bà con nhanh chóng an cư”.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Trường kiểm tra việc khắc phục hậu quả sạt lở đất, bố trí đất ở, khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Tân Nguyên.
"Thủ phủ" bưởi đặc sản Đại Minh sau khi cơn bão số 3 "càn” qua, 100 ha bưởi ở các thôn Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ bị ngập sâu trong nước làm cho cây rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt khiến người dân đứng ngồi không yên. Nước mắt xót xa trên gương mặt người trồng bưởi mỗi khi có ai hỏi đến. Bởi với người dân Đại Minh, bưởi là nguồn thu nhập chính.
Cả đời gắn bó với nghề trồng bưởi, gia đình bà Phạm Thị Lê, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh có trên 250 cây bưởi thì gần một nửa trong số đó đã bị ngập sâu trong nước, ước thiệt hại trên 3 vạn quả bưởi.
Bà Lê xót xa: "Trông chờ vào số tiền trên 100 triệu đồng mà gia đình có thể thu hoạch được từ vụ bưởi năm nay giờ đã mất trắng. Nhưng còn sức còn cố gắng, để cứu lại vườn bưởi của gia đình, ngay sau khi nước rút, theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và các chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, gia đình tôi đã tập trung vệ sinh mặt vườn, thu gom quả rụng, đào hố chôn, rắc vôi khử trùng, cắt bỏ cành chết, tiếp tục chăm sóc để tạo lại tán cây. Đến nay, những cây bưởi bị ngập tưởng không thể cứu vãn đã bật lộc đẹp, mang lại niềm hy vọng cho người dân vùng bưởi chúng tôi”.
Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 và thủy điện Thác Bà xả lũ, huyện Yên Bình có 77 nhà sập đổ, trôi hoàn toàn; 82 nhà bị hư hỏng nặng; 84 nhà ở phải di dời khẩn cấp do có nguy cơ sạt lở đất cao. Cùng với đó, thiên tại còn làm thiệt hại trên 338 ha lúa; 75,9 ha rau màu; trên 98,2 ha cây ăn quả tập trung cùng nhiều diện tích rừng, vườn ươm cây giống, gia súc, gia cầm, thủy sản.
Ngoài ra, toàn huyện có 282 điểm bị đất đá sạt lở, ảnh hưởng đến đường giao thông tại 23/24 xã, thị trấn với tổng khối lượng sạt lở ước tính khoảng 150.000 m3 cùng nhiều thiệt hại về công trình nước sạch, điện, cơ sở vật chất văn hóa và thông tin, truyền thông...
Dù chịu những thiệt hại nặng nề song huyện Yên Bình đã thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ” trong phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Huy động cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp cùng nhân dân trên địa bàn, huyện đã khẩn trương khắc phục hậu quả, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo huyện làm trưởng đoàn; chỉ đạo tập trung khắc phục ở các lĩnh vực ưu tiên gồm: khắc phục cơ sở hạ tầng; nhà ở cho các hộ dân; sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể tiếp nhận hàng cứu trợ và kinh phí của nhà hảo tâm kịp thời hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng không để hộ nào bị thiếu đói.
Đồng chí Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình thông tin: Khắc phục thiệt hại và ảnh hưởng về nhà ở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ, được cấp uỷ, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong suốt thời gian qua. Đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí đợt 1 cho 60 nhà bị sập đổ, trôi hoàn toàn; đã lập phương án bố trí đất ở cho 146 hộ không thể khắc phục làm lại nhà tại chỗ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2024. Cùng với đó, huyện đã huy động tối đa phương tiện trên địa bàn từng xã, thị trấn tham gia hót sạt, san gạt điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo các phương tiện lưu thông an toàn.
Trong công tác khắc phục thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân xã Đại Minh khắc phục 47 ha cây bưởi bị ngập úng; tiếp nhận và phân bổ 2 tấn hạt ngô, 350 kg hạt rau các loại và 40 tấn phân hữu cơ vi sinh cho các xã, thị trấn để trồng ngay trong vụ đông đảm bảo khung thời vụ. Đồng thời, khai thác tỉa thưa các lô, khoảng rừng bị đổ và trồng rừng vụ thu; hướng dẫn người dân tu sửa ao nuôi, lồng bè để tiếp tục nuôi cá.
Đến nay, UBND huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng hỗ trợ kinh phí khắc phục sản xuất nông nghiệp do bão số 3 (đợt 1) cho 17/24 xã, thị trấn. Đồng thời, cấp kinh phí chi trả thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản (đợt 1) là 2.576 triệu đồng cho người dân trên địa bàn 17 xã, thị trấn.
Thực tế cho thấy, công cuộc tái thiết sau mưa lũ sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực rất lớn. Song tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, vượt khó, tương thân tương ái, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Yên Bình sẽ sớm vượt qua những khó khăn, thách thức, vươn lên phục hồi và phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Yên Bình phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
Thanh Chi
Tags Yên Bái Yên Bình cơn bão số 3 tái thiết cuộc sống khắc phục hậu quả mưa lũ
Đăng thảo luận