Bão Yagi tăng cấp nhanh bất thường và có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua một phần do nhiệt độ nước Biển Đông tăng mạnh.

Điểm dị thường khiến bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm  第1张

Hình ảnh vệ tinh của bão Yagi hôm 4/9. Ảnh: NOAA

Bão Yagi (còn gọi là bão số 3 hay bão Enteng), là một cơn bão nhiệt đới mạnh đã ảnh hưởng đến Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là cơn bão thứ mười một được đặt tên và là siêu bão đầu tiên trong mùa bão hàng năm. Yagi là một trong 4 siêu bão cấp 5 theo thang bão Saffir - Simpson được ghi nhận trên Biển Đông, sau bão Pamela năm 1954, bão Rammasun năm 2014 và bão Rai năm 2021.

Yagi xuất phát từ một vùng áp thấp hình thành vào ngày 30/8, cách Palau khoảng 540 km về phía tây bắc. Vào ngày 1/9, hệ thống này được phân loại là một cơn bão nhiệt đới và được đặt tên là Yagi bởi Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA).

Sau khi đổ bộ vào Casiguran, Aurora ở Philippines vào ngày 2/9, Yagi suy yếu khi di chuyển vào đất liền qua dãy Cordillera Central hiểm trở ở Luzon. Sau đó, nó tiến vào Biển Đông và hợp nhất với một hệ thống tuần hoàn thứ cấp ở phía tây vịnh Lingayen, khi đó vùng đối lưu sâu bắt đầu xoáy và phát triển các dải mây đối lưu trải dài về phía tây và phía nam.

Vào ngày 5/9, Yagi mạnh lên thành siêu bão cấp 16, giật trên cấp 17, với sức gió từ 184 đến 201 km/h. Sau khi suy yếu trong chu kỳ thay thế hoàn lưu bão, Yagi mạnh trở lại trước khi đổ bộ vào đất liền gần thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 6/9. Yagi đi qua phía bắc đảo Hải Nam và trực tiếp tràn qua thủ phủ Hải Khẩu. Cơn bão đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng hôm 7/9, sau đó di chuyển theo hướng tây nam vào sâu trong đất liền. Sau hơn 15 tiếng vào đất liền Việt Nam, bão Yagi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Tây Bắc Bộ.

Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão hình thành ngay trên Biển Đông. Theo thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão mà ảnh hưởng đến Việt Nam. Chỉ có hai cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực này đạt siêu bão, nhưng không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Đó là bão Rai tháng 12/2021, đạt cấp 16 ở Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đó đi vòng lên, tan dần ở Bắc Biển Đông. Thứ hai là bão Sao La tháng 8/2023, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông và đi vào nam Trung Quốc. Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Một đặc điểm khác biệt của bão Yagi là quá trình mạnh lên nhanh bất thường. Ngày 2/9, bão mới ở cấp 8, sau hai ngày sau đã mạnh thêm 8 cấp. Đây là điều tương đối hiếm gặp đối với bão trên Biển Đông. Thời gian duy trì cấp 16 hơn một ngày cũng là khá dài đối với một cơn bão tại khu vực này.

Theo Wired, vùng Tây Bắc Thái Bình Dương là cái nôi của một số cơn bão mạnh nhất trên Trái Đất. Vùng này được gọi là Lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là lưu vực bão nhiệt đới hoạt động nhiều nhất trên trái đất, chiếm gần một phần ba số bão lốc xoáy nhiệt đới hàng năm của thế giới. Siêu bão khá phổ biến ở Tây Thái Bình Dương. Các nhà khí tượng học ghi nhận hàng trăm siêu bão trong vùng từ năm 1945 đến năm 2022. Chỉ riêng năm 2021 đã có 4 siêu bão ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm siêu bão Rai khiến hơn 400 người thiệt mạng khi đổ bộ vào miền bắc Philippines.

Sở dĩ khu vực Tây Thái Bình Dương hình thành nhiều cơn bão mạnh như vậy do bản chất của bão nhiệt đới đòi hỏi một số điều kiện chủ chốt để phát triển. Nước biển ấm là một yếu tố cần thiết. Điều này rất đáng quan tâm bởi tương tự nhiều nơi trên thế giới, Đông Nam Á ghi nhận nhiệt độ mặt biển tăng cao trong 12 tháng qua. Nhiệt độ nước biển từ 29 độ C trở lên có thể cung cấp tất cả năng lượng cần thiết cho cơn giông bão để đạt sức mạnh tối đa. Hiện nay, nước biển quanh Philippines có nhiệt độ trung bình trên 31 độ C.

Độ ẩm cao trong không khí cũng là điều kiện thiết yếu khác để giông bão phát triển. Không khí khô khiến giông bão không thể mạnh lên. Một xoáy thuận nhiệt đới đang phát triển cũng cần gió lặng trong khí quyển xung quanh. Nếu có quá nhiều gió đứt, gió sẽ làm phần trên của cơn giông bão dạt đi, khiến chúng tan biến trước khi phát triển ổn định.

Bão mạnh tương đối hiếm xuất hiện ở Thái Bình Dương do những yếu tố trên hầu như không tồn tại thường xuyên. Ngoài ra, các luồng không khí khô từ sa mạc Sahara ở châu Phi có thể triệt tiêu cơn bão đang thành hình. Khối khí lạnh tràn qua nước Mỹ có thể khiến không khí bên trên Thái Bình Dương hoàn toàn không phù hợp cho bão nhiệt đới phát triển. Tuy nhiên, điều kiện ở khu vực Tây Thái Bình Dương hoàn toàn khác biệt. Khối khí lạnh, gió đứt mạnh và không khí khô rất hiếm gặp ở vùng biển nhiệt đới này. Nhiệt độ và độ ẩm cao quanh năm ở Đông Nam Á và những quốc đảo như Philippines, điều kiện thuận lợi dọc Tây Thái Bình Dương có thể tạo điều kiện cho hàng chục cơn bão hình thành trong một mùa. Số lượng bão lớn phát triển cũng làm tăng khả năng một số cơn bão trong đó đạt sức mạnh tối đa, trở thành siêu bão gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào đất liền như Yagi.

An Khang (Tổng hợp)