Dự Luật Quảng cáo sửa đổi đề xuất diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí không vượt quá 30% và 40% tổng diện tích ấn phẩm, gấp đôi quy định hiện hành.
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Sáng 27-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 cho ý kiến, thông qua một số nội dung thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách, trong đó có cho ý kiến dự Luật Quảng cáo sửa đổi.
Cân đối nguồn thu từ quảng cáo để nâng cao chất lượng nội dung
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ dự luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung.
Đáng chú ý về quảng cáo trên báo (với các loại hình báo chí: in, nói, hình), theo bà Thủy, hiện nay với sự cạnh tranh của các hình thức quảng cáo trên mạng, nền tảng mạng xã hội thì doanh thu từ hoạt động quảng cáo trên báo chí ngày càng giảm mạnh.
Quảng cáo trên mạng xã hội còn phức tạpĐỌC NGAY
Trong khi đó phần lớn các cơ quan hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ, duy trì chất lượng nội dung thông tin.
Vì vậy dự luật đã sửa đổi các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền, đặc biệt trong các chương trình phim truyện để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí cân đối nguồn thu từ quảng cáo để nâng cao chất lượng nội dung.
Đồng thời để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Dự luật tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo...
Cùng với đó bổ sung quy định cụ thể về hình thức quảng cáo trên mạng bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến...
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra về quảng cáo trên báo in, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho hay Ủy ban tán thành tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của độc giả, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể tỉ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau để phù hợp.
Về quảng cáo trên mạng, Ủy ban tán thành bổ sung quy định cụ thể. Tuy nhiên, đề nghị đánh giá tác động, làm rõ căn cứ về điều chỉnh thời gian chờ - tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng tăng từ 1,5 lên 6 giây, quy định phù hợp, khả thi hơn trong việc xử lý vi phạm với các tổ chức, cá nhân nước ngoài...
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Nên phân biệt rõ báo, tạp chí chuyên về chính trị khác với báo, tạp chí chuyên ngành về kinh tế, thương mại
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho hay dự luật đã nâng quảng cáo báo in từ 15 lên 30%, tạp chí nâng từ 20 lên 40%.
Tuy nhiên ông cho rằng nên phân biệt rõ báo, tạp chí chuyên về chính trị khác với báo, tạp chí chuyên ngành thương mại. Bởi báo, tạp chí chuyên về chính trị và báo, tạp chí chuyên ngành về kinh tế, thương mại có quy định trong giấy phép xuất bản, trong tôn chỉ mục đích.
Ví dụ báo chính trị, nhất là các báo theo đặt hàng, ngân sách nhà nước... không nên quảng cáo nhiều. Nhưng với các báo kinh tế, thương mại hoàn toàn có thể không giới hạn, bởi bạn đọc bỏ tiền ra mua, có quyền lựa chọn, không ảnh hưởng.
Ông Nghĩa đề xuất với tạp chí chuyên về thương mại, về kinh tế có thể cho quảng cáo bìa, bởi thực tế hiện nay không cho quảng cáo nhưng vẫn có hiện tượng quảng cáo trá hình. "Chúng ta nên tạo dư địa cho anh em làm để khỏi phải lách. Còn cái nào cấm là phải cấm rõ ràng, nghiêm khắc", ông Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh luật để kiến tạo, phát triển, thúc đẩy quảng cáo với tư cách một ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại chuyển đổi số chứ không phải chỉ để quản lý, hạn chế, thu hẹp.
Về quảng cáo trên truyền hình, ông đề nghị quảng cáo nên cởi mở hơn. Nhưng với các kênh truyền hình trả tiền, người xem đã trả tiền mà quảng cáo 5-10%, theo ông Nghĩa là một vấn đề cần xem xét.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Giải trình về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói đã làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông và thống nhất cao.
Ông Hùng cho hay để nói khái niệm về báo chính trị, thương mại chưa rõ ràng và chưa có ai nói như vậy.
"Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng và khi chúng tôi làm việc với các cơ quan biên tập cũng thấy tăng thời lượng như vậy là đủ và đủ cho họ có sức cạnh tranh. Họ cũng đã thực hiện công tác tự chủ mà giờ phân lại rất khó.
Như báo Nhân Dân, Đại Biểu Nhân Dân mà không cho quảng cáo như các tờ báo khác thì không nên, bất bình đẳng...", ông Hùng nêu rõ.
Đăng thảo luận