Vắng tiếng rao, nhưng nghề vẫn còn trong phố và Hà thành vẫn còn làng giữ nghề đồng nát làm sinh kế mấy đời.
Vọng những tiếng rao
Chừng 3 thập kỷ trước, Hà Nội chỗ nào cũng lanh lảnh tiếng rao “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát, nhôm nát, dép nhựa hỏng bán đê”, dù là giữa trưa Hè oi ả, hay giữa hanh hao heo may tràn về phố.
Lũ trẻ chúng tôi độ ấy cứ theo nhau gom nhặt dây đồng, sắt vụn, dép nhựa cũ, nồi niêu xoong chảo cũ hỏng… cho đủ “mớ” rồi cất tiếng gọi “Đồng nát ơi!”. Gặp được nhau, thế là ngã giá bán mua, trẻ con đem tiền đi mua quà vặt, còn cô thu mua đồng nát cất đồ mua được vào thúng hay cho vào bao tao tải, chằng buộc cẩn thận sau đèo hàng xe đạp, rồi đi tiếp, rồi lại cất tiếng rao “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát…”.
Còn nhớ có những buổi trưa hè nắng gắt, tiếng rao không còn lanh lảnh, mà uể oải, vì buồn và đói. Hồi ấy chẳng lạ gì chuyện các cô, các chị thu mua đồng nát ghé xin gáo nước của mấy nhà trong phố uống cho đỡ khát. Bởi thường thì những người này sẽ trở về nhà khi mặt trời đứng bóng, đôi quang gánh quẩy trên vai hay chiếc bao tải buộc sau xe đạp, không biết có đủ nặng cho những lo toan cơm áo thường nhật…
Còn nhớ cả những năm khó khăn, thu nhập từ thu mua phế liệu không nhiều thì khó có thể trụ được 1 bữa cơm hàng, cháo chợ, thế nên không nhiều người mang tiếng rao “Ai lông gà, lông vịt…” lang thang các ngõ phố Hà thành cả ngày, mà chỉ đi từ sáng sớm đến giờ Ngọ là về…
Độ ấy, người ta bảo người làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) quẩy quang gánh, guồng xe đạp đi khắp nơi thu mua đồng nát với tiếng rao quen thuộc lẫn trong gió, trong nắng bốn mùa. Nhà nào trong làng cũng dành hẳn một nhà kho và một khoảng sân rộng để chứa phế liệu thu mua được. Người làng ấy, ngoài tiếng rao như thể “nằm lòng”, còn quen với những tiếng đập, tiếng dệt… từ khâu tái chế phế liệu.
Ảnh minh họa.Tiếng rao của người làng vang vọng khắp các phố phường Hà thành, giữ cho họ một nghề truyền thống mà không làng nào có được, mang về cho họ cuộc sống ấm áp áo cơm từng ngày.
Giờ thì tiếng rao “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát, nhôm nát…” không còn. Người phố thị đã lại quen với hình ảnh người thu mua phế liệu trên chiếc xe máy cà tàng, hay chiếc xe đạp chưa cũ như xưa, cồng kềnh đống đồ thu mua được phía sau đi về trên phố. Nhưng mỗi lần nhìn thấy hình ảnh ấy là tiếng rao xưa lại vọng về trong ký ức như một hoài niệm thân quen của Hà Nội phố thuở nào.
Phố hà khắc, phố bao dung
Phố nhộn nhịp, phố hà khắc và phố cũng bao dung, giờ nhiều người từ quê lên Hà Nội kiếm sống đã chọn nghề thu mua phế liệu để trụ lại đất này. Khác với nghề bới rác là kiếm tìm, thu gom phế liệu từ bên đường đến các bãi rác lớn nhỏ gom lại đem bán, nghề thu mua phế liệu cần dùng đến vốn để mua thập cẩm những gì mà gia đình, văn phòng, công sở không dùng đến nữa, để rồi phân loại, đem bán lại cho chủ vựa kiếm chút chênh lệch giá.
Vẫn là xe đạp cà tàng, dép lê, nón đội đầu, bộ quần áo lao động cũ, áo chống nắng, khẩu trang kín mặt, rong ruổi khắp các phố và ngõ. Nghề “đồng nát, lông gà, lông vịt” xưa nay vốn vất vả, hệt như người đi câu. Hôm may mắn thì mua được hàng và bán luôn trong ngày kiếm “tiền tươi, thóc thật”. Hôm kém may thì đạp xe mỏi chân cũng chẳng mua được gì. Mà ở đô thị thì có hôm nào không tiêu đến tiền, nào tiền thuê nhà, nào tiền ăn, tiền điện nước... Chưa kể gánh nặng gia đình còn hối thúc sau lưng, như là khoản đóng học cho con, ma chay, hiếu hỉ…
Có người ra phố, không quen, không thuộc được “đường giăng mắc cửi, phố ô bàn cờ”, đành quay ra kiếm việc khác để làm, hoặc làm giúp việc, hoặc rửa bát thuê… Có người ra phố, biết đường bán mua, đi xa, đi gần rồi thông thạo đường đi lối lại, thì dần dà bớt đi những chặng hành trình trên phố, chọn “mối” dọn nhà thuê lấy công vừa là tiền, vừa là đồ đạc cũ. Gia chủ nào ưng ý thì xin số điện thoại để những buổi sau “chị đồng nát” lại đến lau dọn nhà cửa theo lịch hẹn.
Công việc của “chị đồng nát” cứ thế rẽ sang nghề lau, dọn nhà kiếm sống, ngoài 60.000 - 80.000 đồng/giờ lau dọn, lại có thể thêm một chút đồ vừa dùng được như nồi xoong cũ, quần áo cũ… Nhiều khi lại cả chồng báo cũ, cái lò vi sóng hỏng, cái quạt gẫy cánh… đều là những món hàng bán ra tiền.
Khi đã “vào guồng” thì việc kiếm sống cũng ổn định hơn, nhiều chị làm không hết việc, rủ thêm người nhà dưới quê lên làm cùng. Người lau dọn cũ lấy chính tính thật thà, chất phác của mình bảo đảm để chủ nhà chấp nhận người mới. Nhà trọ vui hơn, tiền thuê cũng có người chia sẻ và bữa cơm cuối ngày làm việc cũng đầm ấm hơn…
Tôi quen chị Dần, người ở huyện Xuân Trường, Nam Định, có hơn 20 năm theo nghề đồng nát ở Hà thành. Chị bảo, khi canh nông không đủ chi tiêu, anh chị đã chọn Hà Nội để mưu sinh, chị chọn việc thu gom đồng nát, anh chọn bốc vác dọn nhà trọn gói. Hơn 20 năm lênh đênh chốn đô thị, từ hồi phòng trọ tiền trăm, giờ đã lên đến tiền triệu; từ hồi con nhỏ, giờ 2 thằng con trai đã học hết cấp 3 rồi đi làm. Đứa con ở quê đã xây được nhà, đứa theo bố mẹ lập nghiệp ở Hà Nội đã mua được căn chung cư 70m2…
Chị Dần chẳng giấu: “Ngoài thu mua đồng nát, tôi đi lau dọn nhà thuê, thu nhập được khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng. Tôi đã 62 tuổi, còn làm tốt, chồng tôi cũng vậy. Khó mà nói trước được điều gì, cứ biết còn khỏe là còn làm việc, chắt chiu, dành dụm về sau để yên tâm khi về già”.
Phố nhộn nhịp, phố hà khắc và phố cũng bao dung, giờ người làng Triều Khúc vẫn giữ nghề đồng nát dù làng đã khác xưa nhiều. Ban ngày người làng xe máy cà tàng, áo bảo hộ đi chở phế liệu; tối lại xe sang, áo đẹp đi thăm thú bạn bè.
Phải nói rằng, nghề đồng nát đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế của người dân làng “lông gà lông vịt” năm nào, nhà ngói, nhà cao tầng kiên cố toàn bộ, số hộ giàu tăng lên, hộ đói không còn… Trong cơ cấu giá trị tiểu thủ công nghiệp của xã Tân Triều - nơi làng Triều Khúc cư ngụ, mỗi năm nghề đồng nát góp không dưới 70 tỷ đồng. Người địa phương cũng như các vùng lân cận hưởng lợi từ nghề không ít, tỉ như có công ăn việc làm, đỡ “nhàn cư vi bất thiện”.
Chỉ có điều, nghề đồng nát đồng hành với những kho chứa, khoảnh sân tập kết phế liệu vẫn cứ là những góc nhỏ tiềm ẩn mối lo ngại về ô nhiễm môi trường, nhất là với làng nghề truyền thống Triều Khúc. Người ta nghĩ tới việc quy hoạch làng nghề, nghĩ tới dự án về phát triển ngành nghề truyền thống; người ta nghĩ tới cả công cụ thu gom, tái chế bắt buộc… Chắc chắn nghề đồng nát sẽ còn những đổi thay theo đô thị hóa, nhưng tiếng rao xưa vẫn còn đây và phố thì vẫn hà khắc, song vẫn mãi bao dung với nghề đồng nát phố.
Đăng thảo luận