"Nông sản là để tự hào, không phải để giải cứu"
Trong thời đại công nghệ số, việc tận dụng mạng xã hội, các kênh bán hàng online để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rộng rãi hiện đang là xu hướng không thể bỏ qua, trong đó mặt hàng nông sản cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, nhờ xuất hiện trên các kênh livestream đa nền tảng, các sản phẩm từng được cho là khó bán, dễ gặp rủi ro trong quá trình vận chuyển, bảo quản như thịt, cá, hoa quả, hoa tươi... có thể dễ dàng tiêu thụ, được khách hàng đón nhận nhanh chóng.
Một phiên livestream trong chương trình "Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên 2024" được các hộ kinh doanh nông sản tổ chức thành công.
Một trong những chiến thần livestream chốt hàng ngàn đơn nông sản trên TikTok hiện nay đang gọi tên Hằng Du Mục (tên thật là Nguyễn Thị Thái Hằng, sinh năm 1995, quê Cà Mau). Kênh TikTok của cô hiện nay đang sở hữu gần 4 triệu người theo dõi và thường xuyên livestream bán hàng. Những phiên live về trước của Hằng Du Mục rất đa dạng sản phẩm từ đồ gia dụng, chăn ga gối đệm, khẩu trang...
Tuy nhiên, trong thời gian trở lại đây, hot TikTok Hằng Du Mục đã chuyển sang livestream nhiều hơn những mặt hàng nông sản Việt. Lý do mà Hằng Du Mục "tiên phong" đưa nông sản lên livestream là bắt nguồn từ mong muốn quảng bá rộng rãi nông sản Việt Nam, giúp nhà nông có thể bán với mức giá tốt hơn và phát triển những sản phẩm nông sản Việt Nam trên TikTok Shop, đưa những mặt hàng nông sản trở thành niềm tự hào, thoát "mác" giải cứu mỗi khi khó khăn.
Một phiên livestream bán sầu riêng của Hằng Du Mục.
Từ đây, nhiều mặt hàng nông sản đã bắt đầu những lần đặt chân lên sàn livestream của Hằng Du Mục, bão đơn và gây được nhiều tiếng vang lớn. Đơn cử như trong một phiên livestream vào hồi cuối tháng 6, Hằng Du Mục đã kết hợp cùng các đơn vị bán ra gần 23 tấn gạo trong 4 giờ. Cũng vào phiên livestream vào ngày 7/7, Hằng Du Mục đã gây bão khi bán hết 12 tấn sầu riêng chỉ trong vòng 12 phút, kết thúc phiên livestream, có 33 tấn sầu riêng được bán ra. Qua những phiên livestream thành công trên đã cho thấy việc đưa nông sản Việt lên sàn livestream là hướng đi hoàn toàn khả thi trong bối cảnh kinh doanh thời đại mới.
Xuất hiện trong chương trình "Nghề chủ chốt" do TikTok Shop sản xuất, Hằng Du Mục chia sẻ, các nông dân vẫn chưa biết được cách tiếp cận khách hàng qua nền tảng nội dung số, đặc biệt là TikTok để bán sản phẩm mình làm ra. Đa phần người nông dân đều trồng và bán nông sản theo cách truyền thống, chờ thương lái tới tận vườn thu mua. Một phần đó, nhiều người nông dân lớn tuổi nên cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ livestream bán hàng.
Không chỉ Hằng Du Mục, gần đây, tại nhiều địa phương sở hữu nhiều đặc sản, nông sản tới mùa thu hoạch như na, nhãn lồng, sầu riêng..., việc kết hợp với các hợp tác xã địa phương và các KOC, KOL có tiếng trên mạng xã hội để livestream đưa nông sản lên sàn cũng đang được đẩy mạnh. Đây đang là một hướng đi mới để tiêu thụ nông sản rất tiềm năng.
Vẫn còn đó những khó khăn khi đưa nông sản lên sàn
Bên cạnh những tiềm năng khi đưa mặt hàng nông sản lên các sàn thương mại trực tuyến, nhiều chủ kênh bán mặt hàng này đều nhận định khó khăn nhất trong việc kinh doanh nông sản trên sàn thương mại điện tử là khâu vận chuyển và bảo quản sản phẩm. Không như những sản phẩm khác, một số mặt hàng nông sản có kích thước và trọng lượng khá lớn, hoặc khi vận chuyển một số nông sản như hoa quả sẽ phải nhanh chóng, tránh các ảnh hưởng xấu của môi trường và thời tiết, dễ bị dập nát, hư hỏng... Thực tế trên cũng đã được chứng minh qua nhiều trường hợp bán hàng đã phải tìm cách xử lý và đền bù cho khách hàng khi sản phẩm nông sản tới tay hao hụt hay không còn nguyên vẹn, hư hỏng.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là một hướng đi mới cho các mặt hàng nông sản có thể hội nhập xu thế tiêu dùng mới hiện nay.
Một trong những vấn đề đáng chú ý khi livestream bán nông sản trên các sàn bán hàng trực tuyến đó là kinh nghiệm bán hàng và các phát ngôn, lời nói phát sinh trong lúc phát sóng. Cụ thể, trong phiên livestream trên TikTok tối 7/7 của Hằng Du Mục được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội vì chỉ sau 30 phút, mặt hàng sầu riêng đã được chốt đơn tới 20 tấn. Tuy nhiên, phiên livestream buổi tối lại bị nhiều người theo dõi phản ứng mạnh mẽ do những phát ngôn được cho là "kém tinh tế" của một đại diện nhà vườn sầu riêng tham gia bán hàng.
Trong phiên livestream này, TikToker Nguyễn Thái Huyền (O Huyền Sầu Riêng) đã một số lần chê Quang Linh Vlogs khi đang đồng hành trên phiên livestream là ăn sầu riêng quá nhiều và nói không mời tham gia lễ hội sầu riêng vào tháng 8. Sau phiên livestream này, nữ TikToker và nhãn hàng cùng hợp tác đã nhận về không ít chỉ trích, trong đó, nhiều người dùng mạng xã hội đã đăng tải những trạng thái, bình luận cho biết đã hủy đơn hàng.
Trên thực tế, việc không "khéo ăn khéo nói" khi các phiên livestream diễn ra trực tiếp nhiều giờ đồng hồ và trước rất nhiều sự theo dõi của mọi người, vấn đề phát ngôn kém tinh tế, không cân nhắc sẽ có thể thu về nhiều phản ứng trái chiều và ảnh hưởng trực tiếp tới việc mua bán các mặt hàng. Chính vì vậy, vào thời gian gần đây, nhiều trung tâm, cơ sở đang bắt đầu nở rộ hình thức đào tạo livestream bán hàng để hướng dẫn các kỹ năng, kinh nghiệm, cách xử lý các tình huống... giúp cho việc bán hàng diễn ra thuận lợi hơn.
Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là một hướng đi mới có hiệu quả, là giải pháp tích cực cho các mặt hàng nông sản có thể hội nhập xu thế tiêu dùng mới hiện nay. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nền tảng nội dung số đa dạng, hiện đại ngày nay vẫn còn đang là một trong những rào cản khiến cho những người dân lớn tuổi, ít có cơ hội tiếp cận còn bỡ ngỡ. Chính vì vậy, để có thể thực sự kinh doanh nông sản hiệu quả trên sàn thương mại điện tử, vẫn cần có một lộ trình rõ ràng, bài bản nhằm tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong hình thức kinh doanh tiềm năng này.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận