Hơn 8.800 hồ sơ thuế về đất đai tại TPHCM tồn đọng, giải pháp là gì?
(Dân trí) - Chủ tịch HoREA đề nghị giải quyết các hồ sơ theo các nhóm trường hợp khác nhau. Cơ quan thuế cần giải quyết ngay 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Vừa qua, Cục Thuế TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND TPHCM về việc giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8. Đơn vị này nêu, từ ngày 1/8 đến 27/8, cơ quan thuế đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ.
Trong đó, 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ...). Còn lại, 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.
Nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết hơn 8.800 hồ sơ thuế đất đai tồn đọng tại TPHCM (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
Trước tình hình này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đề xuất các giải pháp xử lý hồ sơ tồn đọng.
Ông đề nghị cơ quan thuế giải quyết ngay 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Bởi, các trường hợp này không phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ… vì tất cả các hồ sơ này đều không bị vướng về pháp lý.
Ông cũng đề nghị phân loại 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản để có cách giải quyết phù hợp. Đại diện HoREA đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để xử lý 5.448 hồ sơ này.
Đại diện HoREA gợi ý, với các bên chuyển nhượng ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng bằng hoặc cao hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì cơ quan thuế tiếp tục giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp cơ quan thuế phát hiện dấu hiệu kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì yêu cầu các bên kê khai lại giá chuyển nhượng và xem xét giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản như đã thực hiện trong các năm qua.
Đối với 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, ông Châu đề nghị phân loại theo 2 trường hợp.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cho phép UBND cấp tỉnh được điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013. Đồng thời bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 thì 2 loại hồ sơ trên (kể cả 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản) sẽ được giải quyết theo quy định này.
Trường hợp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 cho phép trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương thì HoREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tại TPHCM (cũng như các địa phương khác) phải nỗ lực sớm ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong 1-2 tuần tới đây.
Điều này vừa giải quyết 8.808 hồ sơ tồn đọng tại cơ quan thuế, vừa để áp dụng bảng giá đất điều chỉnh cho 11 trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Trước đó, với 8.808 hồ sơ tồn đọng, Cục Thuế TPHCM kiến nghị UBND TP sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất... Điều đó giúp cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8.
Ngoài ra, để tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại, Cục này cho biết sẽ báo cáo Tổng cục Thuế về việc giải quyết các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân, tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại.
Đăng thảo luận