"Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống"
(Dân trí) - Bảo vệ biên giới quốc gia phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống.
Ngày 20/8, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TT&TT, cho biết, Nghị quyết 33 ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Bảo vệ biên giới quốc gia phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống".
Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1191 để tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại về xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thực hiện quyết định nêu trên, Bộ TT&TT đã ký quyết định số 264 ngày 7/3 ban hành kế hoạch triển khai các nội dung của quyết định 1191 trong năm 2024. Trong đó có nhiệm vụ tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Theo ông Hải, thời điểm hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biên giới quốc gia và công tác biên phòng nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, nặng nề, khó khăn, phức tạp.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ TT&TT nhận thấy cần đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).
Nhiệm vụ trên có ý nghĩa quan trọng đối với các đối tượng là cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, phóng viên, biên tập viên. Đây là những người có đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến chính sách, pháp luật thông qua các tin, bài, các phóng sự của mình để lan tỏa thông điệp bảo vệ biên giới Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tại hội nghị, Thượng tá Phạm Ngọc Khoái, nguyên Trợ lý phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã trình bày về "Tình hình biên giới và công tác thực thi pháp luật của Bộ đội Biên phòng trên biên giới".
Ông Khoái đã trình bày tóm tắt tình hình biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia; các tuyến biên giới trên biển.
Trong bài phát biểu, ông Khoái cũng nêu một vài sự vụ nổi cộm xảy ra ở các tuyến biên giới trên đất liền, trên biển, để làm sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình ở khu vực biên giới.
Thượng tá Phạm Ngọc Khoái phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).
Từ những thông tin, ví dụ cụ thể các sự vụ, sự việc mà ông Khoái trình bày, giúp các đại biểu, các nhà báo hiểu sâu sắc hơn về vai trò trong công tác tuyên truyền về vấn đề biên giới. Từ đó tạo sự đồng thuận xã hội trong nước, các nước có đường biên giới với Việt Nam cùng nhau gìn giữ đường biên giới hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Trợ lý Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, trình bày về "Tình hình tranh chấp Biển Đông và quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông".
Trong bài trình bày của mình, bà Hương cũng nêu những sự việc cụ thể tranh chấp trên Biển Đông và chính sách ngoại giao của Việt Nam về giải quyết các vấn đề này phải dựa trên nguyên tắc hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đăng thảo luận