Là món "quốc hồn quốc túy", phở nên được xem là một trong những loại hàng Việt Nam chất lượng cao đặc sắc.
1. Ba mươi mấy năm trước, tôi được đi thi "học sinh giỏi toàn diện" huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), tổ chức ở xã Lộc Thuận. Chúng tôi, học sinh của 4 khối lớp, ở tạm nhà cô giáo dạy văn, ngay chợ Lộc Thuận.
Trước bữa thi đầu, cô dắt cả đám ăn phở ở một quán nhỏ ngay trong chợ. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn phở.
Bây giờ tôi không thể nào diễn tả lại được sự ngon lành và thèm thuồng của tôi đối với tô phở đó. Nước lèo váng mỡ ngọt lự, bánh phở mềm và trắng phau, những miếng thịt bò vừa chín tới vừa béo vừa mềm, mấy cục bò viên dai dai lẫn với hạt tiêu cay xè, những cọng giá mới trụng vẫn còn giòn ngọt, những cọng ngò gai, rau quế, rau om thơm lừng...
Tôi ăn với sự hăm hở cao độ, vì vừa quá đỗi ngon lành, vừa hồi hộp chờ vào phòng thi… Nhưng tôi chợt sững người, vì có… con sâu xanh nhỏ, nằm ngửa bụng trong tô phở.
Thoáng chút lúng túng, rồi tôi "xử lý" rất nhanh: ngẩng mặt lên không thấy ai để ý, tôi múc "kẻ lạ mặt" ra khỏi tô và tiếp tục ăn!
Phở Việt ngày nay biến tấu đa dạng, phù hợp với khẩu vị thực khách từng vùng, miền. Ảnh: HƯƠNG LY
Kỳ thi đó, tôi đoạt giải khuyến khích. Về trường, tôi được thưởng một cây bút Hero, là niềm ao ước lớn lao của một học trò nghèo.
Về tô phở đó, tôi không dám kể với ai vì sợ có người cười tôi… ham ăn! Mãi sau này, tôi mới kể cho con nghe, để "ôn nghèo kể khổ" mỗi khi con biếng ăn.
2. Lớn lên một chút, tôi đọc "Phở" của Nguyễn Tuân. Tôi bị ảnh hưởng sâu sắc về cách ăn phở của ông. Nguyễn Tuân viết: "Có thể có nhiều thứ thịt loài bốn chân, loài ở nước, loài bay trên trời, nó ngon hơn thịt bò, nhưng đã phở thì phải là bò". Tôi gần như chỉ ăn phở bò và hay nói với mọi người, "đã phở thì phải là bò".
Phở thì phải ăn nóng. Nhà văn viết: "Phở nguội tanh thật là buồn hơn cả cái sự đời cô gái thập thành bị ma cô lừa bỏ". Nên dù trời bức, tôi đã ăn phở thì phải ăn nóng, mặc cho mồ hôi lã chã…
Hay Nguyễn Tuân chê những người bán phở "không tự trọng" mới bán thịt vụn, nên tôi lỡ ăn chỗ nào bán thịt vụn hoặc vụng cắt thì lần sau không ăn nữa.
Dẫu vậy, tôi khác với Nguyễn Tuân một chút. Nhà văn "ăn phở cho đúng, đúng cái "gu" của phở, phải ăn thịt chín". Tôi thích ăn tái, để cảm nhận được vị ngọt ngào, tươi nguyên của miếng thịt vừa chín tới…
3. Mấy năm trước, tôi đi công tác ở Nga. Bữa ăn đáng nhớ nhất không phải là các món Nga mà chính là khi ăn phở tại Moscow với những nhân viên phục vụ cả người Việt và người Nga mặc áo dài đỏ thắm.
Tự hào hàng Việt: Thương yêu màu áo xanh Saigon Co.op
Cuộc thi Tự hào hàng Việt: Chiếc mâm nhôm kỷ niệm
Mời tham dự cuộc thi "Viết cảm tưởng Tự hào hàng Việt"
Hương vị tô phở đó khó có thể nói ngon nhưng sau nhiều ngày ăn món Nga giờ được thưởng thức món thuần Việt trong bối cảnh đặc biệt, thực sự tôi có ấn tượng sâu đậm.
Bây giờ phở đã trở thành món ăn Việt Nam nổi tiếng bậc nhất thế giới và các nước đã có thêm một từ mới - pho, dùng trong nhiều ngôn ngữ. Từ năm 2016, người Nhật đã chọn ngày 4-4 hằng năm là Ngày Phở Việt Nam tại Nhật. Tại Việt Nam, từ năm 2017, ngày 12-12, Ngày của Phở lần đầu tiên được tổ chức.
Là món "quốc hồn quốc túy", phở nên được xem là một trong những loại hàng Việt Nam chất lượng cao đặc sắc. Tuy nhiên, hiện có nhiều kiểu phở nhái thương hiệu, chất lượng không bảo đảm, việc buôn bán thiếu nghiêm túc... khiến có khi người dùng không cảm thấy phở là một món đặc sắc. Điều đó cần được chấn chỉnh.
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Đăng thảo luận