Thành phố Kazan, nơi hội lưu hai con sông lớn của Nga, đã chứng kiến sự hội tụ của lãnh đạo các quốc gia BRICS và các nước, tổ chức khách mời. Hợp tác của nhóm BRICS mở ra cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị BRICS mở rộng ở Nga ngày 24-10 - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Tham dự phiên toàn thể Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng ngày 24-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi đi thông điệp của Việt Nam và nêu đề xuất cho hợp tác của nhóm BRICS với các nước đang phát triển.
Chung tay vì thế giới tốt đẹp hơn
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: "BRICS đã tạo động lực truyền cảm hứng cho các nước phương Nam, trong đó có Việt Nam, trên con đường phát triển". Thủ tướng kêu gọi BRICS thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc gắn kết chặt chẽ các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển.
Trên tinh thần đó, ông đề xuất "5 kết nối chiến lược" BRICS và các nước đang phát triển để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Trong đó có kết nối nguồn lực và tài chính, kết nối hạ tầng chiến lược và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
BRICS tìm kiếm những ý tưởng hợp tác mới
BRICS và vị thế của Việt Nam
"BRICS, với tiềm lực kinh tế ngày càng gia tăng, cần đi đầu trong huy động, phân bổ và sử dụng mọi nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, để phát triển mạnh mẽ hơn kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh thông tin", Thủ tướng nêu rõ. BRICS cũng cần đấu tranh mạnh mẽ hơn trong việc chống lại xu hướng bảo hộ và không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tái khẳng định đường lối đối ngoại và chính sách "4 không" của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Tăng vị thế nước đang phát triển
Trong bài phát biểu khai mạc trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sự cần thiết phải tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó ông nêu vấn đề đảm bảo các quốc gia Nam và Đông bán cầu có quyền tiếp cận nguồn tài chính và công nghệ cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông cũng khẳng định cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn - nơi mà lợi ích của mỗi dân tộc được lắng nghe và tôn trọng.
Những bài phát biểu sau đó của lãnh đạo các nước BRICS và khách mời đều nhấn mạnh đến vai trò, vị thế ngày càng tăng của các nước Nam và Đông bán cầu. Trung Quốc khẳng định sẽ luôn coi trọng vai trò và lợi ích của các nước Nam bán cầu, ủng hộ họ tham gia vào các sáng kiến và diễn đàn quốc tế. Những quốc gia khác, sau khi nêu rõ các lợi ích ưu tiên, đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia đầy đủ nhóm BRICS.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, sự hấp dẫn của BRICS đến từ nhiều nguyên nhân. "Một trong những lý do BRICS thu hút các nước đang phát triển và mới nổi khác là vì nhóm này tạo ra cơ hội để các nước đó tăng cường tiếng nói, sự hiện diện và ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế, cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu và thiết lập hệ thống tài chính mới công bằng hơn với các nước châu Á, Mỹ Latin và châu Phi" - TS Valeria Vershinina, phó giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao Nga, nói với Tuổi Trẻ.
Bên cạnh đó, các quyết định của BRICS không mang tính ràng buộc và nguyên tắc cốt lõi của nhóm là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. "Điều này rõ ràng tương đồng với những nguyên tắc và giá trị của ASEAN", bà Valeria Vershinina nói thêm.
Còn trả lời Tuổi Trẻ, TS Yaroslav Lissovolik - người sáng lập dự án "BRICS+ Analytics" - chỉ ra tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về kim ngạch thương mại trong nhóm BRICS gần đây, với những kỷ lục mới liên tục bị phá vỡ. Theo ông Yaroslav Lissovolik, nếu BRICS tạo ra một hệ thống thanh toán mới cùng cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp, thương mại trên trục Nam - Nam sẽ còn gia tăng hơn nữa.
"Về thương mại và đầu tư, phần lớn kết quả sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của việc tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính mới. Và tôi chắc chắn rằng các nền kinh tế ASEAN và các khu vực khác của Nam bán cầu sẽ tham gia vào dự án rất quan trọng này", ông nói tiếp.
Ngoài thương mại và đầu tư, trong trao đổi với Tuổi Trẻ, hai chuyên gia Nga cũng dẫn ra Ngân hàng Phát triển mới (NDB) được BRICS thành lập và nhận sự quan tâm ngày càng lớn từ các nước đang phát triển, các nước Nam bán cầu.
NDB hoan nghênh và nhấn mạnh tất cả các nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc đều có thể là thành viên của ngân hàng này. Đó là còn chưa kể Thỏa thuận dự trữ dự phòng BRICS (BRICS CRA), vốn được đưa ra từ năm 2015 nhưng chưa được sử dụng nhiều.
"Tôi tin sẽ có những trao đổi về BRICS CRA để tăng năng lực của sáng kiến này, đưa khả năng đánh giá tình hình kinh tế thế giới tốt hơn và cung cấp hỗ trợ cho các nước cần nguồn lực, tài chính để ổn định nền kinh tế của họ", ông Yaroslav Lissovolik nói.
Trong khuôn khổ Hội nghị BRICS mở rộng ngày 24-10 tại Kazan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp, tiếp xúc song phương với trưởng đoàn một số nước và tổ chức quốc tế. Tối 24-10 (giờ Nga), Thủ tướng lên chuyên cơ về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác đầu tiên đến Nga.
Đăng thảo luận