Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chỉ tuyển sinh khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm, định hướng đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cao chuẩn quốc tế.
USTH năm nay chỉ tiêu tuyển sinh 1.050 sinh viên cho 20 chương trình đào tạo trình độ đại học. Tất cả đều thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Sinh viên học bằng tiếng Anh theo tiến trình đào tạo Bologna của các trường đại học Pháp và châu Âu, thời gian học 3 năm.
GS Jean Marc Lavest, Hiệu trưởng chính nhà trường, cho biết, USTH được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Trường được Chính phủ hai nước giao trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường được tự chủ mở ngành. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy số ngành các trường mở mới từ năm 2019 đến tháng 8/2023 là gần 1.200. Một số trường có truyền thống đào tạo về một lĩnh vực nhất định đã mở rộng đào tạo sang những lĩnh vực khác, dù không phải thế mạnh.
Trong giai đoạn này, trường cũng mở một số ngành đào tạo mới, nhưng khác biệt là các ngành này đều thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Từ 6 chương trình đào tạo ban đầu, trường hiện có 20 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, được xây dựng dựa trên thế mạnh của Pháp và nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam.
Sinh viên USTH. Ảnh: Minh Đức
Đặc biệt, theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, USTH là một trong ba trường đại học, cùng với trường Đại học Việt - Đức và trường Đại học Việt – Nhật được Bộ dự kiến phát triển thành các trường đại học quốc tế xuất sắc.
Trong số này, chỉ có USTH tập trung vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao về khoa học - công nghệ với nhiều ngành đặc thù. GS. Jean Marc Lavest khẳng định: "USTH nằm trong số ít trường đại học tại Việt Nam chỉ tập trung đào tạo các ngành khoa học công nghệ, không phát triển theo hướng đa lĩnh vực".
Đối chiếu với nội dung báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2023, những ngành đào tạo tại đơn vị đa phần đang thuộc top 10 danh sách công nghệ giữ vai trò quan trọng, tạo ra việc làm cho thị trường lao động trong 5 năm tới. "Các ngành cũng đều nằm trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam", GS Jean Marc Lavest chia sẻ.
Sinh viên USTH được thực hành trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Ảnh: Minh Đức
Để đào tạo nhân lực chất lượng cao, trường đẩy mạnh đầu tư phát triển chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, mạng lưới hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước.
Hiệu trưởng chính nhà trường cho biết, chương trình học được thiết kế tối ưu giữa lý thuyết và thực hành, trong đó trung bình thời gian thực hành chiếm gần 40% tổng thời gian đào tạo. "Việc tuyển sinh giới hạn sinh viên giúp chúng tôi tập trung vào chất lượng và quan tâm đến từng sinh viên, giúp các em định hướng tương lai".
Hiện 84% giảng viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ trở lên, phần lớn tốt nghiệp từ các đại học uy tín của Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hongkong. Trường được đồng quản lý bởi nhân sự người Pháp và Việt Nam từ cấp ban giám hiệu đến các khoa, phòng, ban. Hàng năm, khoảng 150 lượt giảng viên nước ngoài từ Pháp, Bỉ, Thái Lan, Nhật Bản, Cộng hòa Séc... sang giảng dạy và hợp tác nghiên cứu tại trường.
Về cơ sở vật chất, trường sở hữu hệ thống phòng học đa năng, phòng học thông minh và hàng chục phòng thí nghiệm hiện đại được đầu tư đồng bộ. Trường cũng có thỏa thuận chia sẻ cơ sở vật chất với các viện nghiên cứu chuyên ngành, trung tâm nghiên cứu khác trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hiện, dự án xây dựng trường trên tổng diện tích 36 ha tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã khởi công. Tổng vốn đầu tư dự án gần 179 triệu USD, dự kiến hoàn thành năm 2028. Khi hoàn thành, USTH hứa hẹn trở thành trường đại học có cơ sở vật chất đồng bộ theo chuẩn quốc tế.
Nhằm phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, trường thiết lập mạng lưới hợp tác với các đối tác tại hơn 20 quốc gia, trong đó đối tác chiến lược gồm các trường đại học và viện nghiên cứu Pháp thuộc Liên minh USTH Consortium và các tập đoàn hàng đầu của Pháp như Airbus, Dassault Systèmes.
"Mạng lưới đối tác của chúng tôi gồm cả cơ quan chính phủ, khối doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học", vị Hiệu trưởng chính cho hay. Như với khối doanh nghiệp, trường hợp tác với Vietnam Airlines, VAECO, Samsung Display, Bosch, Nestle, Viettel Aerospace hay FPT Software.
Trịnh Thùy Linh, cựu sinh viên ngành Công nghệ Sinh học - Phát triển thuốc của USTH, cho hay sự đầu tư đồng bộ từ con người đến cơ sở vật chất của trường đã trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng vững chắc để gia nhập thị trường lao động. Khi học tại USTH, cô đã được trao cơ hội thực tập tại các phòng thí nghiệm về tế bào gốc ở Việt Nam, Pháp và Mỹ. Linh hiện làm việc tại công ty công nghệ sinh học và dược học lâu đời tại Mỹ - Genentech.
"Khi học tiến sĩ tại Mỹ, tôi được thầy cô hướng dẫn đánh giá rất tốt, không hề thua kém sinh viên khác về trình độ tiếng Anh, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm, thuyết trình", Linh nói.
Còn với Đỗ Quốc Trọng, quê Kiên Giang, USTH là bệ phóng để Trọng nhận được học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho chương trình thạc sĩ tại ba trường nghiên cứu danh tiếng của Pháp là Đại học Sorbonne, Paris-Saclay và Paris Cité.
Trước đó, với giải nhất học sinh giỏi Vật lý cấp tỉnh, Trọng đủ điều kiện để được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào nhiều đại học. Tuy nhiên, nam sinh chọn USTH vì đây là số ít trường đào tạo ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh.
GS Jean Marc Lavest cho biết những ngành đặc thù của trường như Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Khoa học Môi trường Ứng dụng có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt gần như 100%. Nhiều sinh viên giành học bổng du học bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường hàng đầu thế giới. Chất lượng sinh viên USTH được các doanh nghiệp đánh giá cao. Như đối với ngành Kỹ thuật hàng không, sinh viên ra trường được nhiều hãng hàng không tuyển dụng và đánh giá rất tốt, trong đó có Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO (thuộc Vietnam Airlines), Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Công ty CP Hàng không Vietjet.
Ngoài sinh viên trong nước, trường còn là điểm đến của các sinh viên nước ngoài. Trung bình mỗi năm, sinh viên quốc tế tại USTH chiếm 2,5%.
Môi trường học tập hiện đại và quốc tế tại USTH. Ảnh: Minh Đức
Bên cạnh hoạt động đào tạo, USTH có nhiều thành công trong nghiên cứu. Trường đứng thứ ba trong gần 40 đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tính theo số lượng và chất lượng công bố quốc tế. Trung bình, giảng viên của trường công bố 1,4-1,6 bài báo quốc tế SCIE mỗi năm, tiệm cận với năng suất công bố của giảng viên tại các trường đại học nghiên cứu trên thế giới.
USTH cũng tiên phong thử nghiệm các chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ như: xây dựng các phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế với các viện nghiên cứu, đại học lớn của Pháp; xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc; chương trình trả lương cho nghiên cứu sinh; chương trình đào tạo tiến sĩ nhận 2 bằng Việt - Pháp (Co-tutelle).
Nhờ những thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học, năm 2023, USTH được HCERES đánh giá và chứng nhận đạt kiểm định cơ sở đào tạo đại học, trở thành trường trẻ nhất trong 6 trường đại học tại Việt Nam đạt được chứng nhận này. Từ tháng 6 năm nay, trường trở thành một thành viên chính thức của Hiệp hội các đại học Pháp (France Universités).
Nói về chiến lược phát triển trường trong tương lai, GS Jean Marc Lavest nhấn mạnh: "USTH sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp quốc tế về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trở thành biểu tượng của hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Pháp và địa chỉ tin cậy cho các tài năng trẻ Việt Nam phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ".
Đại học đào tạo nhân lực khoa học công nghệ theo chuẩn quốc tế Chương trình đào tạo khoa học công nghệ theo chuẩn quốc tế tại USTH.Thế Đan
Đăng thảo luận